Nhãn:

Phạm Di - Xã có 500 cán bộ: Lượng và chất!

 




Rõ ràng, trong cấu tứ xuyên suốt, bài viết không hề cổ súy cho sự tồn tại một số lượng cán bộ xã là quá cồng kềnh.













Trụ sở UBND xã Quảng Vinh





Đánh đồng "Lượng- chất- hiệu quả"?

Đọc bài "Quá nhiều cán bộ là dân... khổ!" của tác giả Thịnh Hà (Tuần Việt Nam, 18/7) tôi có cảm giác vừa buồn vừa vui. Vui là vì nhận được ý kiến phản hồi (đúng hơn là phê phán) bài viết của tôi.

Vui là vì những vấn đề xã hội hiện nay được nhiều người quan tâm (và đưa ra những bình luận, quan điểm, chính kiến của mình) trong đó có tôi và tác giả Thịnh Hà.

Vui vì hiện nay đại đa số những nhà khoa học chân chính, những người có lương tâm và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng luôn canh cánh và cảm thông trước nỗi khổ của người dân khi họ phải "gánh gồng" nhiều thứ mà tác giả Thịnh Hà gọi là "vấn nạn".

Còn buồn? Buồn là vì cái điều "đáng buồn nhất" của tác giả Thịnh Hà. Nói dễ hiểu là tác giả Thịnh Hà chỉ dựa trên "câu chữ" để phê phán mà không đoái hoài đến "ý tứ" của người viết. Buồn là vì hiện nay chúng ta (kể cả tác giả Thịnh Hà) luôn bị những con số (lượng) chi phối lối tư duy và đôi khi bị những con số này "đánh lừa".

Cụ thể mà nói là đánh đồng cái khái niệm: Lượng- chất-hiệu quả.

Để làm sáng tỏ những "niềm vui" và "nỗi buồn" nên trên, tôi xin có đôi lời kiến giải.

Trích "cú" mà không trích "ý"?

Trong bài viết của tôi đăng trước đó: "Phía sau những con số gây...sốc" (Tuần Việt Nam, 17/7) ít nhất có 4 mệnh đề cần trao đổi.

Thứ nhất, mệnh đề về số (lượng): Trong bài viết, tôi có đề cập đến những con số cụ thể gắn với sự kiện "xã có 500 cán bộ". Những con số này là thật hay giả, đúng hay sai điều đó chưa ai kiểm chứng (trừ phi những người có trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát để giải trình).

Nhưng, điều quan trọng tôi muốn bàn không phải là những con số "nhảy múa" kia mà chính là "Phía sau những con số gây... "sốc" " ấy. Nôm na là, cần phải "thấy" được bản chất bên trong của vấn đề.

Nếu chúng ta chỉ xoay quanh những con số ấy với những "lượng từ", "số từ" hết sức chung chung thì đôi khi chúng ta bị những con số ấy đánh lừa.

Chẳng hạn chúng ta đưa ra mệnh đề "Quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi". Thử hỏi thế nào là "nhiều", khi nào là "nhiều"? 500 là nhiều hay 254 là nhiều? Đó, đừng để con số "đánh lừa" tư duy!

Rõ ràng, trong cấu tứ xuyên suốt, bài viết không hề cổ súy cho sự tồn tại một số lượng cán bộ xã là quá cồng kềnh.

Chính lẽ đó tôi mới chất vấn: "Liệu ai dám nói rằng một xã có 254 là ít (hay là đủ)? Chúng ta cũng hiểu rằng, đội ngũ cán bộ thôn/ ấp/ khu phố là "cánh tay nối dài" của chính quyền cấp xã nhưng chỉ có 40 cán bộ xã mà số lượng "tay nối dài" đến 214 thì quả là điều cần phải xem lại".

Ngay trong phần cuối của bài viết, tôi cũng bày tỏ quan điểm hết sức rõ rằng: "Nếu 254 cán bộ mà hoạt động èo ụt, tắc trách, tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả, hạch sách, nhũng nhiễu thậm chí cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thì con số 254 cũng là quá... thừa!".

Không phải ngẫu nhiên mà K. Marx đã chỉ ra "Chất đã bị tước bỏ là lượng, lượng đã bị tước bỏ là độ, độ đã bị tước bỏ là bản chất". Xuất phát từ cách tiếp cận này, tôi mới quả quyết "Nhưng điều quan trọng hơn, cần nhìn nhận tính hiệu quả trong hoạt động, chất lượng hoạt động của chính đội ngũ cán bộ này ra sao".Thứ hai, mệnh đề về chất (lượng): Ý tứ xuyên suốt của bài viết là vấn đề chất lượng, nói thẳng là chất lượng cán bộ cấp xã hiện hữu. Nói đến cán bộ điều tiên khởi là nói đến "chất".

Tôi dám tin chắc rằng, trong công điện khẩn mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thanh Hóa giải trình thì nội dung giải trình không chỉ (và không thể) dừng lại ở "con số". Điều quan trọng và tiên quyết là chất lượng hiện hữu của đội ngũ cán bộ xã này.

Tiến một bước nữa để nói rằng, cần phải xem xét yếu tố "hài hòa" giữa số lượng và chất lượng, "Nói tóm lại, số lượng và chất lượng cán bộ cấp xã là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc, khoa học và khách quan", đó là khẳng định của bài viết.

Thứ ba, mệnh đề về tư duy: Bài viết đã nhiều lần khẳng định, đội ngũ cán bộ thôn/ ấp chính là "cánh tay nối dài" của chính quyền cấp xã. Điều này dường như ai cũng hiểu. Thế nhưng tư duy lấy "cánh tay nối dài" để thay thế cho "bộ óc" là không ổn.

Để ý thấy, trong bài viết, "tư duy" này đãc bị phê phán: "Theo quan sát của chúng tôi, những đối tượng được "tuyển chọn" vào đội ngũ cán bộ xã (hoặc cán bộ dự nguồn) cần có 2 điều kiện: Một là thân quen với lãnh đạo xã (nói trắng ra là con ông cháu cha), 2 là... thi rớt đại học".

"...Nhiều cán bộ thôn đã tự nâng "khống" số tuổi (hoặc những người đủ tuổi mà không được đưa vào danh sách) của đối tượng để được hưởng trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là người cao tuổi theo Nghị định 06/2011/NĐ-CP."

Chính lối tư duy có phần quan liêu, mệnh lệnh này đã khiến nhiều vấn đề bất cập phát sinh trong điều hành của chính quyền cấp xã. Mà một trong những minh chứng là "Nhiều cán bộ thôn còn tự ý "sàng lọc" danh sách những người được trợ cấp xóa đói giảm nghèo theo diện neo đơn, không nơi nương tựa để được thụ hưởng chính sách của Nhà nước mà chính quyền xã không hay biết (!)"

Thứ tư, mệnh đề hiệu quả: Có thể khẳng định không sợ sai rằng, hiệu quả (cụ thể là hiệu quả công việc) là thước đo để đánh giá năng lực, vai trò, vị trí, sự hữu dụng, tính thích ứng... và nhiều khía cạnh khác của cán bộ, cán bộ cấp xã không là ngoại lệ.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng "Có lẽ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chưa hề thấy ai nói rằng bộ máy hành chính cồng kềnh đồng nghĩa với hiệu quả công việc, song song với mức tăng lên của hạnh phúc và bình an". Nhưng tôi cũng có quyền chất vấn rằng, liệu có ai dám khẳng định là bộ máy không cồng kềnh (nhưng thế nào là không cồng kềnh lại là một vấn đề) thì hiệu quả công việc cao, cộng với sự tăng lên hạnh phúc và bình an cho nhân dân?

Câu trả lời không nằm trong câu chất vấn. Một thời chúng ta chỉ lấy thước đo "số lượng" để làm căn cứ đánh giá "hiệu suất" dẫn đến nơi nào có hiệu suất công việc thấp thì "cắt" về số lượng.

Kiểu tư biện này đôi khi bị vấp phải trong chiến lược "tinh giảm biên chế": Tưởng rằng số lượng ít thì thì hiệu suất cao hơn. Sự việc không đơn giản như vậy! Hiệu suất lao động và hiệu quả công việc bị chi phối rất nhiều biến số, nhiều yếu tố (chủ quan và khách quan).






Một thời chúng ta chỉ lấy thước đo "số lượng" để làm căn cứ đánh giá "hiệu suất" dẫn đến nơi nào có hiệu suất công việc thấp thì "cắt" về số lượng.

Kiểu tư biện này đôi khi bị vấp phải trong chiến lược "tinh giảm biên chế": Tưởng rằng số lượng ít thì thì hiệu suất cao hơn. Sự việc không đơn giản như vậy! Hiệu suất lao động và hiệu quả công việc bị chi phối rất nhiều biến số, nhiều yếu tố (chủ quan và khách quan).

Số lượng không quyết định (trực tiếp) đến hiệu suất nhưng hiệu suất có liên quan đến số lượng. Một cá nhân dù "năng nổ" đến mấy cũng không thể "hoàn thành nhiệm vụ" trước một khối lượng công việc khổng lồ.

Thế, ai dám khẳng định rằng, nếu xã Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) được "tinh giảm" còn 30 (hay ít hơn) thì hiệu quả (hiệu quả công việc, hiệu quả quản lí...) sẽ tốt lên và điều đáng nói là dân sẽ bớt khổ hơn, hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn?

Không phải ngẫu nhiên mà trong bài viết, tôi dám khẳng định ", "500" không phải là... vấn đề, mà vấn đề là số lượng "cán bộ" đó đã được "tuyển dụng" theo đúng qui trình thủ tục hay không. Điều quan trọng hơn, họ đã hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao?"

Tóm lại, khi nhìn nhận đánh giá một vấn đề, 1 chủ kiến hay 1 quan điểm nào đó chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể, khoa học, biện chứng và hơn thế nữa tránh hiện tượng "thấy cây mà không thấy rừng", "trích cú mà không trích ý" từ đó gây nên những "hiểu nhầm" đáng tiếc.

Bên trên 4 mệnh đề trong bài viết của tôi không phải là một "tập hợp rời rạc" mà chúng có liện hệ chặt chẽ nhau, liên hoàn nhau, chi phối nhau.

Tác giả Thịnh Hà đã "thực sự sốc" và "buồn" vì chỉ nhìn và đánh giá 1 hoặc vài trong số 4 mệnh đề nói trên. Nhưng dù sao thì cũng cảm ơn tác giả Thịnh Hà, cảm ơn độc giả, cảm ơn những ai quan tâm và thấu hiểu được những vấn đề đang tồn tại trong xã hội để tìm ra cách giải quyết hợp lí!


 

 

 

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4