Nhãn:

Từ việc lãnh đạo “vi hành”, nghĩ tới chống bệnh quan liêu

Ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã “vi hành”, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của dân trước độ hững hờ của cán bộ dưới quyền.





Trong điều kiện hiện nay, các cán bộ lãnh đạo có rất nhiều thông tin phục vụ công tác quản lý. Nhưng do đòi hỏi từ cuộc sống đa dạng, phức tạp người lãnh đạo cần đi thực tế nhiều hơn để hiểu và xử lý công việc tốt hơn.

Câu chuyện mới đây ai cũng biết: Ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng đi thực tế chỉ đạo phòng chống bão, khi gọi điện thoại cho Giám đốc sở Giao thông vận tải thành phố thì không liên lạc được; gọi điện cho Phó Giám đốc lại nhận được thông tin sai với thực tế mà ông chứng kiến.

Lúc qua phà, ông còn bị nhân viên ở đây hạch sách, “vòi vĩnh”… Thực tế đáng buồn ấy, khiến ông đi đến một quyết định: kỷ luật các cán bộ dưới quyền mắc bệnh quan liêu.

Ông Bí thư Thành ủy đã “vi hành”, đã tận mắt chứng kiến nỗi khổ của dân trước sự tàn phá của thiên tai và thái độ hững hờ của cán bộ dưới quyền. Nếu ông ngồi tại phòng làm việc, chỉ đạo qua điện thoại, hoặc nghe báo cáo từ cơ sở, sẽ không hiểu được sự bức bách của người dân bị thái độ vô cảm lấn lướt như thế nào! Song, còn bao nhiêu cán bộ “né” cơn bão số 8? Bao nhiêu khách qua phà đã bị nhóm cán bộ, nhân viên ở đây “vòi vĩnh” đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”?

Tình trạng cán bộ quan liêu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, vô cảm không chỉ trong việc chống bão số 8 ở Hải Phòng mà đã và đang diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, trong các loại công việc khác nữa. Tình trạng họp hành liên miên khiến cán bộ dành thời gian đi thực tế để lắng nghe dân còn ít. Nhiều công việc của người dân và doanh nghiệp lẽ ra được giải quyết nhanh chóng, thì lại bị “làm khó”.

Đó cũng là lý do vì sao, có con đường ở khu dân cư lầy lội năm này qua năm khác; hàng trăm công trình trái phép ngang nhiên xây dựng trên đất công và nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo có thể giải quyết ở cơ sở mà kéo dài mãi vẫn chưa xong…

Đây chính là một phần hậu quả của bệnh quan liêu, hình thức, xa dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi bệnh quan liêu là “kẻ thù bên trong” nằm trong các tổ chức của ta”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Và Người chỉ rõ, một trong những phương thuốc chữa bệnh quan liêu là phải “liên hệ chặt chẽ với nhân dân”.

“Phương thuốc” chống quan liêu đó đến nay vẫn mang tính thời sự nóng bỏng. Ngay tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13, khi bàn về việc giám sát, nhiều đại biểu cho rằng: “Cần phải vi hành - gặp dân trước, gặp quan sau, còn nếu chỉ đến cơ sở, nghe báo cáo rồi vui vẻ ra về thì không hiệu quả”.

Và thực tế gần đây, tại một số địa phương, người lãnh đạo cao nhất tổ chức đối thoại trực tiếp với dân bằng thái độ cầu thị đã ngay lập tức “giảm nhiệt” nhiều “điểm nóng” bấy lâu. Điều đó cho thấy, ở đâu cán bộ lãnh đạo thường xuyên đi thực tế, lắng nghe dân, tận mắt chứng kiến cuộc sống của dân, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng và sẽ lấy được niềm tin của dân. Cũng từ thực tế đó, lãnh đạo cấp trên hiểu rõ hơn “ai là cán bộ trung thực, ai là người thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu dân”.

Ngày 21/11, Quốc hội thông qua “Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”. Cử tri và nhân dân cả nước mong rằng, Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ bớt đi những cán bộ quan liêu, xa dân; để bộ máy nhà nước ta “sạch” hơn; để cán bộ phải gần dân, lắng nghe dân, giải quyết được việc cho dân nhiều hơn./.




Ngọc Năm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4