Những năm gần đây, mỗi khi cơ quan pháp luật của Việt Nam xét xử một số cá nhân với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là dường như, một số tổ chức quốc tế (như: Tổ chức theo dõi nhân quyền, Tổ chức ân xá quốc tế, Ủy ban bảo vệ nhà báo,...), thậm chí cả Bộ Ngoại giao Mỹ, Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh,... lập tức ra tuyên bố, hoặc ra thông cáo báo chí xuyên tạc coi đó là việc làm "không phù hợp với luật pháp quốc tế, vi phạm quyền tự do ngôn luận". Những lời lẽ vu cáo này là vô căn cứ, vì hành vi phạm tội đó phải bị xử lý theo pháp luật ở Việt Nam hay ở chính nước Mỹ.
Người ta hay nói tới "tự do báo chí ở Mỹ" và cũng không ít người, vì thiếu thông tin hoặc cố tình lảng tránh sự thật rằng, thực chất cái gọi là "tự do báo chí ở Mỹ" chẳng hơn gì các nước khác. Mặc dù Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ đã quy định: "Quốc hội sẽ không ban hành một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí của công dân"; tuy nhiên đến năm 1798, lo ngại các tư tưởng của cách mạng Pháp có thể lan qua Ðại Tây Dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật Phản loạn quy định "việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội". Thực chất mục đích của Ðạo luật Phản loạn là để ngăn chặn việc tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền. Ra đời sau Ðạo luật Phản loạn của nước Mỹ gần hai thế kỷ, Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, trong đó Ðiều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) quy định người nào có một trong những hành vi: "Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm. Như vậy, làm một so sánh đơn giản cũng có thể thấy mặc dù chế tài có thể khác nhau, nhưng mục đích, nội dung của Ðạo luật Phản loạn của nước Mỹ và Ðiều 88 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam là khá tương đồng, đặc biệt là về mục đích của văn bản luật và quy định về tính chất của hành vi. Ở bất kỳ quốc gia nào, các thông tin mà báo chí và internet đăng tải đều phải bảo đảm tính khách quan, chính xác và có thể kiểm chứng. Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ cá nhân, tổ chức đều là phạm pháp và người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như với vụ án xét xử Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần vừa qua chẳng hạn, theo cáo trạng của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, thì từ tháng 9-2007 đến 10-2010, các đối tượng trên đã đăng 421 bài (94 bài tự viết, 327 bài đăng lại từ những trang web chống phá Nhà nước Việt Nam) trên blog "Câu lạc bộ nhà báo tự do", trong đó có 26 bài viết được giám định là có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Cũng theo cáo trạng, Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải còn sang tận Thái-lan để tham gia khóa huấn luyện của tổ chức khủng bố Việt Tân với mục đích nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam. Căn cứ cáo trạng trên, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án Nguyễn Văn Hải 12 năm tù giam, Phan Thanh Hải bốn năm tù giam và Tạ Phong Tần 10 năm tù giam cùng với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Ðiều 88 Bộ luật Hình sự. Như vậy, việc xét xử và tuyên án các bị cáo nêu trên là đúng người, đúng tội, đúng khung hình phạt và mang tính răn đe, giáo dục cao. Vậy mà Bộ Ngoại giao Mỹ và một số tổ chức quốc tế núp bóng dân chủ, nhân quyền, bảo vệ nhà báo đã viện cớ "bảo vệ quyền tự do báo chí tuyệt đối" mà ngay cả Mỹ cũng không có, đồng thời chỉ căn cứ vào các thông tin bóp méo sự thật, một chiều đăng tải trên các website của một số tổ chức phản động chủ yếu của người Mỹ gốc Việt, để lớn tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nếu như ba nhân vật nói trên là công dân Mỹ và có những hành vi tương tự đối với chính quyền Mỹ thì liệu ai dám bảo đảm các cơ quan chức năng của nước Mỹ sẽ không đưa các đối tượng này ra xét xử theo Ðạo luật Phản loạn? Thí dụ nhãn tiền là sự kiện ngày 27-9-2012, Tòa án Los Angeles (California - Mỹ) đã vừa bắt giữ Nakoula Basseley - người tham gia làm bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo. Lý do bắt giữ là vì Nakoula bị nghi ngờ đã vi phạm thời gian quản chế của Tòa án liên bang Mỹ, một tội danh không liên quan đến bộ phim ngắn kia, nhưng thời điểm bắt giữ lại khiến người ta không khỏi băn khoăn liệu có phải nhà cầm quyền Mỹ không thể bắt giữ Nakoula vì pháp luật Mỹ bảo vệ tự do ngôn luận, tự do báo chí nên phải "xử" đối tượng này với một tội danh khác nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình chống Mỹ đang lan rộng?
Hơn nữa, cái gọi là quyền tự do báo chí tuyệt đối, hoàn hảo mà các thế lực ở Mỹ hay viện dẫn để áp đặt lên quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, không hề tồn tại trên thực tế. Bên cạnh Ðạo luật Phản loạn kể trên, Tòa án tối cao và chính quyền các bang ở Mỹ cũng đã ban hành hàng trăm văn bản làm công cụ điều chỉnh tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nếu xét về mặt ngôn ngữ, Hiến pháp Mỹ chỉ cấm Quốc hội liên bang chứ không cấm chính quyền các bang ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có khả năng hạn chế quyền tự do báo chí. Do đó, trên thực tế, chính quyền các bang đã tìm cách "lách luật" để ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều phối tự do thông tin báo chí. Bên cạnh đó, trong khi xử các vụ án liên quan đến báo chí, Tòa án tối cao Mỹ thường đưa ra những phán quyết cụ thể, được xem là các án lệ có giá trị pháp lý và bắt buộc thực thi trong các trường hợp tương tự.
Trong khi chính quyền Mỹ cao giọng về chuyện bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tuyệt đối thì chính các nhà cầm quyền Mỹ lại đang sử dụng quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng đô-la để thao túng báo chí, phục vụ lợi ích của mình. Bởi cho đến nay, thị trường thông tin Mỹ bị thâu tóm bởi số ít siêu tập đoàn truyền thông như Time Warner, Disney, Bertlsmann, Viacom,... và các tập đoàn này lại có quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Thống đốc bang Mississippi là Lee M. Russell thừa nhận: "Từ nhiều năm nay, ở đất nước này, đồng tiền kiểm soát chính sách báo chí. Rất ít tờ báo dám phát ngôn trên lập trường của đông đảo nhân dân. Những tờ báo này được trợ cấp, do đó, chúng nói ngôn ngữ của các ông chủ". Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ba hệ thống truyền hình lớn của Mỹ là ABC, CBS và NBC đã cố tình đưa tin thiếu khách quan nhằm định hướng dư luận Mỹ có lợi cho chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Theo ông George Baylay, một nhà xã hội học Mỹ, thì từ năm 1965 đến năm 1970, có tới gần một nửa tin tức chiến tranh trên các đài truyền hình này đề cập đến hoạt động của bộ binh và không lực Mỹ trên chiến trường; khoảng 12% là những văn bản tuyên bố của chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn trước đây; chỉ có 3% dành cho các tin tức lấy từ miền bắc Việt Nam. Trong khi đó, ảnh hưởng của chiến tranh đối với nhân dân Mỹ, và các cuộc đi bộ cổ vũ cho hòa bình, sinh viên biểu tình, của phong trào phản chiến tại Mỹ,... lại chỉ được đề cập có giới hạn.
Ở Việt Nam, quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của mọi công dân nói riêng được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và được thực thi nghiêm minh trong thực tiễn. Cũng như mọi quốc gia khác, dù tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí thì Việt Nam không dung túng cho những hành vi lạm dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ đã được nhân dân ta lựa chọn... Nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, song cũng khẳng định tự do ấy phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đã nhấn mạnh: "Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ". Như vậy, nếu thật sự nghiêm túc trong việc xây dựng, củng cố, phát triển quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trong xã hội, cần nhận thức một cách rõ ràng rằng, quyền tự do báo chí của người này không được làm tổn hại đến quyền tự do của người khác, đặc biệt là đến lợi ích của dân tộc, của cộng đồng. Bởi thế, dù báo chí có vai trò như thế nào trong xã hội thì đó cũng không phải là lĩnh vực "bất khả xâm phạm". Báo chí cần phải chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, từ đó đóng góp vào sự phát triển xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung và mỗi con người nói riêng.
HOÀNG ANH
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét