Tâm tính con người thật kỳ lạ nhưng là bình thường khi người ta có sở thích khác nhau, người thì thích hoa hồng người thì thích hoa lan chẳng hạn. Có điều sở thích ngược với lẽ thường, như cho rác rưởi chứ không phải hoa là đẹp thì sở thích đó không còn là bình thường được nữa. Có một nhóm làm loại thơ với cơ sở mỹ học phản thẩm mỹ như thế. Đó chính là nhóm Mở Miệng mà linh hồn của nhóm là Bùi Chát.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có khuynh hướng lập dị, trên thế giới cũng có như vậy, người ta có quyền cho rác đẹp hơn hoa. Có điều nếu lợi dụng phản thẩm mỹ để phản động thì lại là phạm pháp, rất dễ bị công an tóm!
Bùi Chát và thơ Bùi Chát đã là như vậy. Còn nhớ cách đây mấy năm có vụ ồn ào luận văn của cô Nhã Thuyên ca ngợi thơ nhóm Mở Miệng được điểm 10, nhiều bạn đọc đã viết thư cho tôi như chị Phùng Kim Yến khi còn sống, anh Trần Văn Vĩnh, bạn Khuê Hoàng, Giao,…. “mong được đọc bình luận của Đông La”. Tôi đã viết. Nay lại có độc giả cũng hỏi tôi về Bùi Chát và thơ của Bùi Chát khi Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), người đã bị bắt và khởi tố ngày 10 tháng 10 năm 2016 tại Nha Trang với tội danh theo điều 88- tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong “hành trang tư tưởng” của Mẹ Nấm có tập thơ “Bài Thơ Một Vần” của Bùi Chát.
Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa, sống ở Sài Gòn. Năm 2001 cùng với Lý Đợi thành lập nhóm Mở Miệng, Chát là người đề xướng các khái niệm ‘thơ rác’, ‘thơ nghĩa địa’. và là người sáng lập “Giấy Vụn” – nhà xuất bản chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.
Tập “Bài Thơ Một Vần” được in photocopy xong vào quý 3 năm 2009, là tập hợp 26 “bài thơ”. Ngoài phần Việt ngữ, những bài thơ này được dịch sang tiếng Anh.
Trong cái luận văn được các giáo viên cho điểm 10 rồi bị thu hồi nói trên, về mặt thẩm mỹ văn chương, Nhã Thuyên viết: “Bùi Chát đem đến phong vị đầy thi tính của đời thường” với những câu: “Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè”; “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”; “Tôi cải tạo âm hộ”… Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ „thi phẩm‟) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng lẫn cảm xúc”; “Hiếm có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kị tài tình và hấp dẫn đến thế”. Nhã Thuyên cho đó là“mĩ học của cái tục”: “Quan niệm về ngôn ngữ của họ, khi dùng một cách công khai và vô tội [vạ] các từ chỉ bộ phận sinh dục, hành vi tính giao như… là nỗ lực, theo họ, trả lại sự bình đẳng của từ ngữ”.
Tôi đã viết, thơ nói riêng và văn chương nói chung là sản phẩm văn hóa, tức từ cuộc sống bề bộn và bụi bặm, phải tinh lọc, phải chưng cất công phu qua tài và tâm của thi sĩ thì mới có được. Con người khác con vật vì biết xấu hổ. Bị lột truồng giữa đám đông ai cũng phải thấy xấu hổ. Nên làm thơ bằng cách lột truồng chữ nghĩa một cách vô cảm là đã mất nhân tính.
Không chỉ là chuyện hay dở, Nhã Thuyên còn cho nhóm Mở Miệng ra đời với “sứ mệnh nổi loạn và lật đổ”; “hình ảnh thơ Mở Miệng: Lạ, Phá Phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền, là kết hợp của Cách Tân và Phản Kháng”; “bức tường Berlin có thể chỉ mất một ngày để xây và mất mấy chục năm để phá. Vậy có nên ca ngợi sự phá của Mở Miệng?”; “Lịch sử không còn được là một sự thật, nó bị hoài nghi… các nhà thơ Mở Miệng đã … phản ứng với quá khứ với một thái độ hủy diệt và lật đổ trong sự nhạo báng”.
Và rồi Nhã Thuyên không ngần ngại kêu gọi “đập phá triệt để” như sau:
“Cái đập ngăn khủng khiếp không chỉ là vấn đề ngôn ngữ … mà là cả một đập ngăn về ý thức hệ, tư tưởng, chính trị. Sau Mở Miệng, người ta mới thấy thơ Việt cần một sự đập phá triệt để, một cuộc đập phá dữ dội, chấp nhận trả giá”.
Nhã Thuyên còn liều mạng bình tán một hành động liều mạng của Bùi Chát đó là việc làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ:
“Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát… lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ. Chẳng hạn: “Đường Kách Mệnh Đi một ngày đàng, học [& hành] một giường khôn. Con đường nối những con đường. Dẫn tới các nhà thương”.
Nhã Thuyên đã không giấu giếm ý đồ của mình, cô viết với tinh thần như vậy là vì tiền: “Tôi apply grant (có mối quan tâm lớn) của ANA, một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập ở châu Á… Thời điểm đó, ở VN, hầu như chỉ có các nghệ sĩ visual art (nghệ thuật thị giác) apply các tài trợ nghệ thuật, và tôi muốn thử tìm các cơ hội tài trợ cho văn chương”.
***
Bùi Chát quả là đúng như Nhã Thuyên nhận xét như trên, làm thơ như vậy bởi Bùi Chát cho rằng:
Sự phát triển của nghệ thuật
Có thể kết liễu một chế độ độc tài
Bùi Chát làm thơ với tinh thần “phát triển của nghệ thuật” nhưng với nghĩa đen của từ ngữ thì những bài thơ của Bùi Chát chỉ là những câu lổn nhổn, lảm nhảm vô nghĩa. Nhưng Bùi Chát là một người đã tốt nghiệp đại học văn, nên khi làm thơ, tất nhiên Bùi Chát có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách gián tiếp để biểu đạt ý tưởng. Vì vậy đọc thơ, không chỉ của Bùi Chát mà là lẽ thường, là phải hiểu ngôn ngữ theo nghĩa bóng.
“Bài thơ một vần” mà Bùi Chát chọn làm nhan đề tập thơ, Bùi Chát cho cả sự nghiệp cách mạng mà dân ta đã đổ biết bao máu để giành lại chủ quyền đất nước, để chúng ta có được cuộc sống thanh bình không còn mưa bom, bão đạn như hôm nay, trong đó có Bùi Chát rung đùi làm thơ, chỉ là cỏ rác:
Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm
thế nào!? Đành bỏ ngỏ...!!!
Trong một bài khác, Bùi Chát viết:
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Bùi Chát viết “Những người anh em” là chỉ chế độ, chỉ những người nắm quyền, còn “ký ức” chính là lịch sử đất nước. Là dân Việt đã học lịch sử thì ai cũng phải biết sự thật, khi nước ta bị Pháp chiếm, vua thì bị bắt đi đầy, tên nước đã bị xóa trên bản đồ thế giới, dân ta lâm vào cảnh “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”. Rồi 1945 Pháp thua Nhật, với chính sách “phá lúa trồng đay” đã làm dân ta 2 triệu người chết đói. Chỉ có những người vô học, hoàn toàn mất trí mới không biết như vậy. Còn Bùi Chát có đi học mà bị “mất ký ức” thì không có “anh em” nào làm Chát mất ký ức cả mà chỉ do Chát tự đâm mù mắt mình mà thôi!
Với tâm trí mù lòa, đen tối như thế nhưng Bùi Chát giống như nhiều văn nhân, thi nhân mà tôi rất biết, ngoài chút năng khiếu văn chương, nói theo ngôn ngữ bình dân “hậu hiện đại”, đúng là một lũ “ngu hơn lợn”, nhưng lại ngông ngạo, ảo tưởng, vĩ cuồng, luôn chê bai, diễu cợt, phán xét tùm lum, góp phần làm mất ổn định xã hội không ít, Bùi Chát cũng ngông ngạo, tự tin khi viết:
Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
Chính vì ảo tưởng như vậy Bùi Chát đã huỵch toẹt viết ra tâm địa chống phá, lật đổ chế độ của mình:
Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
***
Người đọc bình thường sẽ chẳng có ai hiểu tại sao lại có loại “thơ” tục tĩu, bẩn thỉu, bỡn cợt, du côn, phá phách như thơ của nhóm Mở Miệng. Thực chất nhóm Mở Miệng đã sáng tác theo tinh thần của Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Vậy Hậu hiện đại là gì?
Tôi đã viết:
Theo Lyotard, chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ. Theo ông, tinh thần hậu hiện đại sinh ra là để chống lại sự độc tài của các chủ thuyết mà ông gọi là các siêu văn bản (métarécit); cho không có một thứ nguyên lý nào phổ quát cho tất cả; chống lại quan niệm rằng trật tự và ổn định là luôn luôn tốt và coi sự hỗn loạn, bất ổn là luôn luôn xấu.
…Để chống lại siêu văn bản (chủ thuyết lớn), hậu hiện đại phát huy tính chất đa dạng, coi trọng vai trò cá nhân, các nhóm, coi trọng các lý thuyết nhỏ, những tiểu văn bản (petits récits). Những tiểu văn bản của hậu hiện đại thường có cách nhìn tạm thời, ngẫu nhiên, không khái quát tính thống nhất, tính ổn định, tính hợp lý hay sự thật khách quan. Trong đó tất cả mọi ý kiến đều có quyền hiện diện, kể cả sự bất đồng và nói sai (paralogie). Khoa học hậu hiện đại nghiên cứu những bấp bênh, vô thường của đời sống. Lyotard viết: "Nói một cách giản dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những lý thuyết lớn, siêu văn bản (métarécits) (ý nói những chủ nghĩa)”.
Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt; đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt.
Trong thực tế, phát minh vĩ đại nhất của khoa học lại mang tinh thần Hậu Hiện đại, một phát minh của người bên lề, đó là Thuyết Tương đối của Einstein. Khi phát minh, Einstein không ở viện nghiên cứu, không dạy ở trường đại học, mà là một nhân viên hạng 3 ở phòng cấp bằng sáng chế. Bill Gate, anh chàng “lông bông” bỏ học đại học, cũng là người tự do, lại tạo ra được một vương quốc Microft vĩ đại. Giờ anh là một Bồ tát giữa đời thường. Và phải chăng chuyện viết lách của tôi cũng theo tinh thần Hậu hiện đại, bởi tôi cũng là một người bên lề.
Trong tự nhiên, trong một hệ kín, sự tăng độ hỗn loạn (với khái niệm entropy), dẫn đến sự đổ vỡ cái cũ là một quy luật khách quan. Một thể chế cũng có thể coi là một hệ kín. Nếu không mở để tiếp năng lượng của nền dân chủ, cũng sẽ bị thoái hóa.
Vì vậy nếu coi Chủ nghia hậu hiện đại như là phần bổ sung, sự đóng góp của hệ thống ngoài trung tâm, sẽ rất tốt cho sự phát triển.
Tiếc là thực tế lại không thế. Ngay Lyotard, nhà tư tưởng đã xây những tầng nền đầu tiên cho trào lưu hậu hiện đại, cũng rất cực đoan khi cho tất cả các lý thuyết đã có đều đổ vỡ. Nhưng trong thực tế chả có lý thuyết nào là đổ vỡ hoàn toàn cả mà chúng chỉ chưa hoàn chỉnh, chúng đều góp phần như những viên gạch lát con đường tiệm cận đến chân lý. Vì vậy Hậu hiện đại đã sai khi muốn biến mình thành dòng chính, và nội dung của học thuyết không phải bổ sung, đóng góp, mà là chống phá, lật đổ!
Vì thế, ta mới thấy có những cái kỳ quái đặc trưng của văn chương hậu hiện đại. Hầu như mọi sự việc và con người đều bị bóp méo; tính trung thực và lành mạnh bị phế bỏ; lịch sử bị làm méo mó một cách có ý thức. Sự nhại phỏng (pastiche): một loại hoán vị, xáo trộn những kiểu viết cũ, đó là lối lai tạp tạo ra sự giật gân và nhại văn để giễu cợt. Nhà văn hậu hiện đại Phá vỡ cấu trúc, gắng hết sức đập nát bốn yếu tố của tiểu thuyết là cốt chuyện, nhân vật, cảnh trí và đề tài, v.v…
Các nhà phê bình cho rằng, tất cả những sự khác thường đó của bút pháp hậu hiện đại, cái triệu chứng rối loạn ngôn từ, là do trong sự rạn nứt của xã hội hiện đại, chúng chính là biểu hiện, theo Lyotard: “Hiện nay chúng ta đang ở trong một hình thức mới của bệnh thần kinh phân liệt".
Riêng về nhóm Mở Miệng của Bùi Chát tôi cũng đã viết:
“Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản. Sự chống đối đó không phải là phẩm chất cao quý để vượt qua chủ nghĩa hiện đại mà chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương”.
Họ làm ra một loại thơ đi ngược lại luân thường đạo lý, phản thẩm mỹ, nhạo báng cả lịch sử, cả lãnh tụ, cả Chúa, cả Phật! Muốn dùng “bên lề” để chống lại “trung tâm”, tức là dùng tư tưởng vô chính phủ chống lại nhà nước. Chính vì thế họ đã được lực lượng chống phá nhà nước tung hô. Ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những kẻ nổi loạn, việc sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng giáo dân. Giáo hội Thiên Chúa giáo và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp ra tòa!
***
Không chỉ thuần làm thơ chống đối, Bùi Chát còn nhiệt tình tham gia những phong trào quấy rối, những mong đất nước mau loạn ly, lộn tùng phèo, như Bùi Chát có trong danh sách BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VN mà Nguyên Ngọc là “Trưởng ban”. Người đứng thứ 2, ngay sau Nguyên Ngọc, là Bùi Chát.
11-6-2017
ĐÔNG LA
hạng người bán rẻ lương tâm như Bùi Chát thì sống cũng không bằng chết
Trả lờiXóa