Nhãn:

Mấy suy nghĩ về bức thư của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu)

Sau khi đọc bức thư này, có mấy suy nghĩ băn khoăn, tôi chép lại vào đây để trao đổi, luận bàn cùng tác giả và bạn đọc.

Trước hết xin hoàn toàn nhất trí với Tiến sĩ Tụ về tình hình đất nước, tôi không bàn thêm. Tôi có mấy suy nghĩ về 3 kiến nghị của Tiến sĩ  Tụ như sau.

1. Theo tôi, không làm gì phải thay đổi việc khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 10/10 tới. Vì nước ta là một nước có chủ quyền, ta không phụ thuộc vào nước nào. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế thì mọi người đã biết, khỏi phải bàn. Việc tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long của nước ta vào ngày 1/10 hoàn toàn không “phạm húy”, càng không phải là hoạt động chào mừng Quốc khánh Trung Quốc, hay Quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc. Và hoàn toàn không có gì là “lăng nhục” dân tộc. Ngược lại, theo thiển nghĩ của tôi thì chính là một hoạt động nêu cao truyền thống dân tộc. Vì 1000 năm trước, đất nước Việt Nam này đã có Nhà Lý ở bên cạnh Nhà Tống, đã có cuộc giao tranh giữa 2 quốc gia vào những năm 1075 và 1077 và đã có tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư”. Ngày nay, Việt Nam vẫn ở cạnh Trung Quốc như ngàn năm xưa. Dân tộc ta, đất nước ta đã trải 1000 năm Bắc thuộc mà “không thuộc Bắc”, gần 100 năm “Pháp thuộc” mà không “thuộc Pháp”; tiếp theo là cuộc kháng chiến chống Mỹ với thắng lợi vĩ đại đã được cả thế giới biết đến. Bây giờ Việt Nam với Mỹ thế nào chắc Tiến sĩ Tụ đã rõ. Ông cha ta và chúng ta biết chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến lên, tôi tin chắc rằng con, cháu, chắt chúng ta cũng sẽ biết chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc khi Tổ Quốc bị ngoại xâm. Khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long có trùng với Quốc khánh Trung Quốc thì cũng là nhắc cho ai đó có tư tưởng nước lớn hãy nhớ lại chuyện 1000 năm trước ở đời Nhà Lý – Việt Nam. Tất nhiên chúng ta không thể được thỏa mãn, tự cao tự đại với những thành công mà quên những yếu kém, những hủ bại đang làm suy yếu đất nước như suy nghĩ của Tiến sĩ. Còn việc tổ chức không đúng ngày “khởi thảo hay khởi sự dời đô” thì không quan trọng, vì không phải là ngày “cúng giỗ tổ”. Mà ngày 10 tháng 10 là một ngày lịch sử giải phóng kinh đô 1000 năm của vua Lý Thái Tổ bị đế quốc thực dân xâm chiếm. Về chuyện ngoại giao có khi cương, khi nhu, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Bác Hồ đã dậy, đã làm mới có được thành công. Đọc diễn văn mừng ngày đại lễ nghìn năm của dân tộc tại Thủ đô của Tổ Quốc mình sao lại là lăng nhục từng người dân việt Nam!? Kỷ niệm ngày chiến thắng, nhớ lại nghìn năm lịch sử của dân tộc, mỗi người dân Việt nam tự hào lắm chứ. Ai là người dân Việt Nam mà cho đó là lăng nhục mình thì cũng phải xem lại họ đang đặt mình là ai? Suy nghĩ cho ai? Làm cho ai?

2. Đúng là đất nước ta đang còn nghèo, nhân dân ta cũng đang còn nghèo. Nhưng Đảng ta, Nhà nước ta đã đưa dân tộc ta, đất nước ta tiến “hàng nghìn bậc” trên bước đường đi lên ở từng giai đoạn để ngày nay tổ chức được Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Những cái khó, cái khổ của dân, của nước, Đảng ta, Nhà Nước ta đã lo, đang lo, và tiếp tục lo làm cho đất nước ngày ngày đổi thịt thay da. Cứ như ở quê tôi, Nhà nước ta đã lo cho dân, lo cho người nghèo nhiều lắm. Lo từ việc để có bát cơm ăn, áo mặc, chữa bệnh, học hành cho hiện tại cũng như tương lai lâu dài. Cái lớn nhất là Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta từ kiếp nô lệ lầm than, đứng lên tự giải phóng, giành quyền độc lập, và ngày nay đang sánh vai cùng các quốc gia, dân tộc trên cả thế giới. Điều này chắc Tiến sĩ Tụ không thể không biết. Đành rằng, so với cái chúng ta muốn còn phải lo nhiều hơn nữa, cũng phải cần nhiều thời gian nữa, nhưng chắc chắn không thể dài bằng 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc. Nếu cứ vì cái nghèo, vì một bộ phận người nghèo (bởi nhiều lý do) mà quẩn quanh không dám lo việc đại sự thì đất nước sẽ không mở mày mở mặt ra được để mà sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Việc tiết kiệm là rất cần thiết, nhưng cần “chi cho vinh quang của đất nước” thì vẫn phải chi. Cha ông ta có câu “mua danh ba vạn” kia mà. Chắc chắn Nhà nước đã có tính toán để chi. Tất nhiên đâu đó vẫn có những kẻ lợi dụng việc chi tiêu của công để vơ vét mưu lợi cá nhân. Việc ấy chúng ta vẫn phải có ý kiến với Nhà Nước, phải chống triệt để, mạnh hơn nữa như Tiến sĩ trăn trở. Nghèo mà biết “khoe sang” một cách đúng mức, đúng cách, đúng thời thì càng làm vẻ vang cho dân tộc, cho đất nước, để tiếp tục vươn lên mà khắc phục hết  cái nghèo, cái khó; để mỗi người, mỗi nhà, mỗi vùng nghèo tự hỏi tại sao mình nghèo mà tìm cách vươn lên với vị trí của người làm chủ. Không thể cứ ngồi mà chờ, mà đổ cho Nhà Nước, đòi Nhà Nước phải lo.

3. Việc chiếu bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long” theo suy nghĩ của tôi thì hãy cứ để bộ phim “trình làng” để nhân dân được luận bàn. Chắc Tiến sĩ đã được xem, được duyệt phim nên băn khoăn. Nhưng cái gì chẳng có 2 mặt. Cứ “phơi” ra để mọi người thấy, cái xấu, cái sai ta sửa. Lo gì.

Mấy suy nghĩ của một người lính cũ ở nông thôn, xin được trao đổi cùng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ và các bạn.

Nguyễn Thế Tính, Cộng tác viên hiephoa.net, 28/9/2010

Dưới đây là toàn văn bức thư của Hà Sĩ Phu gửi Chủ tịch nước.

Việt Nam ngày 25-9-2010

Kính gửi: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tôi là công dân Nguyễn Xuân Tụ, tiến sĩ Sinh học, bút danh Hà  Sĩ  Phu, 71tuổi, thường trú tại 4E Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, Lâm Đồng, trân trọng gửi đến Chủ tịch một ý kiến ngắn liên quan đến việc tổ chức Đại lễ “1000 năm Thăng Long-Hà nội”.

Kỷ niệm 1000 năm ngày ra đời và phát triển thủ đô Thăng long-Hà nội là một sự kiện có ý nghĩa rất thiêng liêng trong suốt chặng đường dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta, việc kỷ niệm long trọng là một chủ trương rất đúng.a

Tuy vậy, Đại lễ này tiến hành trong tình hình đất nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức phức tạp: cả về xây dựng cũng như bảo vệ đất nước đều có hai mặt, mặt thành tựu đáng vui mừng và mặt yếu kém đáng lo âu. Mọi mặt đều có sự phân hóa theo hai đầu trái ngược

Trong dịp diễn  ra Lễ hội, không người Việt Nam yêu nước nào lại có thể mải vui mà quên tình trạng đất nước mình vẫn còn bị xếp hạng là một nước nghèo, số đông dân chúng vẫn còn phải kiếm sống rất chật vật, số đông vẫn chưa được hưởng quyền dân chủ để làm chủ đất nước.

Mối đe dọa bị xâm lấn và đồng hóa của nước láng giềng phương Bắc từ lịch sử 1000 năm đang hiện về rõ hơn lúc nào hết, và sự tự vệ, tự cường chủ quan của ta hiện nay nhiều mặt tỏ ra thua kém tổ tiên oai hùng thuở trước, trong khi điều kiện khách quan của thế giới hiện nay đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mọi hiện tượng đã phơi bày trên báo chí khắp nơi, trong và ngoài nước, thiết tưởng không cần nhắc lại dài dòng.

Trong bối cảnh như vậy, tôi muốn bày tỏ 3 điều lo lắng cũng là ba đề nghị như sau:

1. Không thể khai mạc đại lễ vào ngày 1-10-2010. Ngày ấy không phải ngày vua Lý Công Uẩn thảo Chiếu dời đô, không phải ngày khởi sự dời đô (động thổ), nhưng lại là ngày Quốc khánh Trung Hoa!

Đã thế ngày kết thúc là 10 tháng 10 lại trúng Quốc khánh của Trung hoa dân quốc tại Đài Bắc! Một nhà nước biết tự trọng phải tránh sự trùng hợp ấy, nhất là trong tình trạng tranh chấp Việt Trung hiện nay. Đọc diễn văn trịnh trọng vào những ngày ấy khác nào lăng nhục từng người dân Việt, tránh sao khỏi miệng thế mỉa mai về thân phận của kẻ chư hầu? Riêng điều này sẽ làm cho Lễ kỷ niệm không nêu cao được truyền thống anh hùng chống ngoại xâm đáng tự hào của dân tộc, khiến kẻ thù phải kiêng nể, mà sẽ gây tác dụng ngược rất nguy hiểm.

2. Loại bỏ những hình thức hội hè, tuyên truyền quá tốn kém. Báo chí đã nêu chi phí Đại lễ khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim, tức gần 1 phần 10 ngân sách quốc gia. Cần phải giảm bớt. Nhà nghèo không cứ phải khoe sang mới gây phấn khởi, trái lại sẽ là vết nhục trước cảnh bao nhiêu trường học còn đổ nát, học sinh phải đu dây qua sông đến trường, bệnh nhân không có giường nằm, bao nhiêu bé gái phải bán mình khắp năm châu làm nô lệ...

3. Không chiếu cuốn phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” trong đợt kỷ niệm 1000 năm này, vì cuốn phim chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, mắc những sai lầm ngay từ gốc, sẽ gây phản cảm rất bất lợi trong dân chúng, có hại cho việc bồi dưỡng lòng yêu nước và giữ gìn văn hóa dân tộc.

Thưa Chủ tịch, kỷ niệm 1000 năm xây dựng Thủ đô văn hiến và bất khuất là một việc lớn lao vô cùng thiêng liêng, động đến tâm khảm của mỗi con dân nước Việt, mỗi thành công hay sai sót đều khắc sâu dấu ấn vào lịch sử. Với tâm sự ấy tôi viết thư này (cá nhân tôi cũng được thành người Hà Nội từ năm 1949), nhờ báo chí chuyển đến Chủ tịch nước, mong được ông lưu ý. Công hay tội của thế hệ chúng ta sẽ được khắc vào bia đá, mà người khắc sẽ là muôn đời hậu thế, không phải chúng ta.

Kính chúc Chủ tịch sức khoẻ.

Xin gửi Chủ tịch lời trân trọng và thống thiết của một công dân.

Kính thư

Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), Ts. Sinh học

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4