Nhãn:

Trần Mạnh Hảo- SỰ SAI TRÁI KHÔNG GIỚI HẠN

Để viết nên loạt bài dưới danh nghĩa “góp ý cho Đảng” đăng trên một số báo trên mạng, Trần Mạnh Hảo (TMH) đã: “Suốt hai năm qua, chúng tôi đã vùi đầu đọc lại ngót 60 cuốn sách dày cộp bộ toàn tập Marx-Engel-Leinne với tâm thế của một nhà nghiên cứu, nhà khoa học” và được dư luận “trong và ngoài nước” “động viên, chia xẻ(sẻ), lo lắng cho sự an toàn tính mạng”.
TMH dẫn ra vài thí dụ: “quý độc giả “vô danh” có số Mobile : +84904109664, nhắn tin như sau : “Hồn thiêng sông núi đã nhập vào thân xác trần tục của Trần Mạnh Hảo để nói lên tiếng nói cha ông và chân lý lịch sử. Cầu xin vong linh tất cả anh hùng dân tộc Việt Nam trở về bảo vệ sự bình an cho TMH”; một độc giả khác số Mobile : +84913222109, nhắn : “Ôi, anh H. ơi ! Nhớ anh và cảm phục anh lắm. Q. đang ngồi tuyên truyền về anh cho sinh viên đại học luật đây, sung lắm!” Tất nhiên, đây là sự tôn vinh của những người có ý thức chống đối chế độ. Trong thực tế, có những cá nhân với tài năng vĩ đại, đến kẻ thù cũng phải kính nể, bởi họ có nhân cách vĩ đại chứ không phải vì họ đầu thú. Ngay bản thân tôi trên mạng cũng có vài người mà tôi biết họ không cùng ý thức hệ đã khen, nhưng họ khen tính có lý của những bài viết chứ không phải do tôi thay đổi chính kiến. Còn TMH, để nhận được cái “vinh quang mới” nói trên, đã phải quay ngoắt 180o, chửi bới, phỉ báng, xổ toẹt tất cả những gì mà vài năm trước đây còn cho là cao quý, thiêng liêng; phản lại một số đồng đội, những nhà văn, nhà thơ khoác áo lính ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có lẽ do họ hồn nhiên tốt bụng nên đã bị TMH lừa bởi cái thao tác mà PGSTS Nguyễn Hữu Sơn ở Viện Văn học đã vạch ra trong cuốn “Về một hiện tượng phê bình” (nxb Hải Phòng, 1998) ý là giả vờ tựa vào bàn thờ lịch sử và văn học cách mạng để phê phán lung tung, nên họ đã từng họp lại bênh vực TMH trước sự phê phán của rất nhiều người, trong đó có bản thân tôi. Tiếc là có khá nhiều người, sự khen chê TMH chỉ xuất phát từ việc TMH “bảo vệ” hoặc “chống” chế độ chứ không xét đến đúng sai, còn tôi thì không vậy, viết về TMH tôi chỉ phân tích TMH sai hay đúng theo tinh thần khoa học, dù TMH nhân danh bất cứ điều gì. Vì thế trước đây TMH sai, tôi đã phê phán, thì nay TMH lại sai, tôi cũng lại phê phán.

Cách đây cũng mấy năm, do TMH không hiểu nghĩa ẩn dụ nên đã phê bình cụm từ “Biên độ của trí tưởng tượng”, nhan đề cuốn phê bình của tôi, cho trí tưởng tượng sao lại có biên độ? Vậy theo TMH, nếu trí tưởng tượng trong quá trình lao động sáng tạo của con người không có “biên độ”, nghĩa là không dựa trên nền tảng trí thức, không tuân theo những quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy, một trí tưởng tượng không giới hạn, thì chỉ là sự tưởng tượng lung tung mà thôi. Chính vì hiểu vậy, giờ đây, TMH đã tưởng tượng ra cái khả năng vô hạn của mình. Không có tri thức nền, ngoại ngữ cũng lõm bõm, TMH, từ một người sáng tác nhảy sang làm phê bình, giờ đây lại leo lên nấc thang tột đỉnh của lý luận, phê bình triết học, một khoa học khái quát mọi khoa học; một việc làm giống như một người đi lao động nhưng trong tay không có công cụ vậy. Theo triết học Mác, cái cần xem xét không phải sản phẩm mà quan trọng hơn là phải xem công cụ làm ra chúng. Muốn làm được sản phẩm tốt phải có công cụ tốt. Dù “tay không” như vậy, TMH lại hoàn toàn tự tin, tung tăng đi trong khu rừng tri thức, nhưng không hiểu thực chất mình đã lạc ngay từ bìa rừng, chỉ lấy được ít tai nấm độc lại lóa mắt nhìn thành cổ linh chi, nhổ được ít củ cải lại cứ tưởng sâm quý ngàn tuổi! Không, muốn tìm được những thứ vô giá đó, người ta phải biết vượt qua rừng sâu núi thẳm chứ không thể chỉ loanh quanh nơi hoang mạc! Nếu ai mới biết mặt chữ mà cũng phê phán được các nhà tư tưởng vĩ đại thì chắc thế giới này đã có cả tỷ tỷ nhà tư tưởng rồi! TMH, ngay những khái niệm tối cơ bản của lý luận văn học, triết học, khoa học, cũng không hiểu (điều này tôi đã viết cụ thể trong một số bài), giờ lại táo gan làm cái việc có thể ví với dời non lấp biển; vẫn với cái tri thức bình dân, những suy diễn nôm na, dông dài và rất buồn cười, đã dám phê phán, tố cáo, quy kết và cuối cùng là phủ nhận hoàn toàn triết học Mác và sự vận dụng hệ tư tưởng này vào nuớc ta, kể cả trong lịch sử chống ngoại xâm trước đây và công cuộc xây dựng ngày nay; một điều mà ngay đến những nhà triết học tư sản, có tư tưởng đối lập với Mác, cũng không cực đoan như vậy.

          Về đấu tranh giai cấp.

TMH hoàn toàn liều lĩnh khi viết: “Cái sai lớn nhất của Mác ... bắt đầu từ cái sai lớn nhất của nhà tự nhiên học Darwin mà Mác tiếp thu. Darwin giải thích sự tiến hoá trong tự nhiên chỉ bằng đường duy nhất là sự “đấu tranh sinh tồn”, Mác đã cho “quy luật của tự nhiên cũng chính là quy luật của xã hội loài người, để biến học thuyết “đấu tranh sinh tồn” của Darwin thành học thuyết “đấu tranh giai cấp”...”. Ở đây TMH đã hoàn toàn không hiểu gì, cả về khoa học lẫn triết học, chỉ ăn theo nói leo một số người chống cộng phản khoa học. Học thuyết tiến hóa khoa học đầu tiên do J. Lamac đề xuất, ông cho sự tiến hóa do “Những biến đổi trên cơ thể do tác động của ngoại cảnh hoặc do tập quán sinh hoạt của động vật đuợc di truyền qua những thế hệ”. Sau đó Đác-uyn phủ nhận, cho sự tác động ngoại cảnh chỉ gây ra biến đổi đồng loạt theo hướng xác định, ít có ý nghĩa trong tiến hóa, mà sự tiến hóa chính là do sự phát sinh những đặc điểm sai khác trong quá trình sinh sản (biến dị cá thể). Rồi tác nhân chọn lọc là những điều kiện khí hậu, địa lý, thức ăn, kẻ thù tiêu diệt, sự cạnh tranh về thức ăn và chỗ ở. Những cá thể biến dị thích nghi hơn, sinh sản nhiều, sẽ có điều kiện tồn tại nhiều hơn. Vậy thuyết Tiến hóa của Đác-uyn đâu chỉ đơn giản là sự “đấu tranh sinh tồn” như TMH hiểu. Dù học thuyết của ông chưa hoàn chỉnh, mới là những nét vẽ phác, vì khoa học chưa phát minh ra di truyền học nên ông chưa chỉ ra được nguyên nhân phát sinh và cơ chế di truyền của biến dị, mà ngày nay theo A. Bourguignon, trong “Con người không thể đoán trước” (nxb Khoa học Xã hội, 1996), cho: chúng phức tạp đến nỗi không thể có một thuyết tiến hóa nào có thể giải thích được thỏa đáng tất cả các hiện tượng sống. Nhưng đặc biệt, Đác-uyn đã thành công trong việc xây dựng luận điểm và chứng minh rằng toàn bộ sinh giới là kết quả của quá trình tiến hóa từ một gốc chung, đã được các nhà khoa học thừa nhận. Và trong hành trình từ không biết đến biết của nhận thức, chỉ những đóng góp như vậy thôi, ông cũng đã được lịch sử khoa học suy tôn là vĩ đại, mà lịch sử khoa học đồng nghĩa với quá trình phân tích kiểm chứng cụ thể và tinh vi của khảo cổ học và sinh vật phân tử hiện đại, nó không chỉ đơn giản như sự khen chê theo “gu” trong văn chương nghệ thuật. Vậy có một nền khoa học nào lại đi suy tôn một người “đại sai lầm” như TMH đã nói văng mạng?! Khi cho Mác đồng nhất khoa học với triết học, biến “học thuyết đấu tranh sinh tồn” của Đác-uyn thành “học thuyết đấu tranh giai cấp”, TMH không chỉ không hiểu gì về sinh học mà còn nói ngược về triết học Mác. Xã hội loài người không chỉ là xã hội vật chất mà còn là xã hội tinh thần, nên chủ nghĩa Mác không bao giờ đồng nhất triết học với khoa học tự nhiên; cụ thể chủ nghĩa duy vật biện chứng, theo Ăng-ghen: “phải dựa trên cơ sở khái quát những kết quả của khoa học tự nhiên”, mà “dựa trên cơ sở khái quát” hoàn toàn không phải là sự đồng nhất, bởi khoa học xã hội nói chung và triết học nói riêng còn có sự tham gia của ý thức con người, nên không thể hiểu một cách ngây ngô là “biến” cái này thành cái kia như ý TMH được. Thực chất, TMH đã nói ngược, không phải Mác mà chính những người theo thuyết Đác-uyn xã hội (L. Gum-plo-vich, G.Rát-xen-hô-phơ v.v.), coi đấu tranh sinh tồn là động lực của phát triển xã hội, cho kẻ mạnh sẽ tồn tại, kẻ yếu sẽ chết; điều đó chính là mầm mống của sự phân biệt chủng tộc, tư tưởng phát-xít. Còn học thuyết của Mác lại đứng về phía những “kẻ yếu”, tức những người bị nô dịch, bị bóc lột. Động lực phát triển xã hội theo Mác là đấu tranh giai cấp, mà nguyên nhân của đấu tranh giai cấp không phải do mạnh yếu mà do những mâu thuẫn đối kháng, sự bất hợp lý trong lao động và hưởng thụ. Và Mác cũng chỉ rút ra những quy luật đó từ lịch sử phát triển xã hội chứ hoàn hoàn không phải tự đặt ra, chưa có Mác, xã hội loài người đã có đấu tranh giai cấp rồi.

Khi viết: “tuyệt đối hoá tư bản là xấu là phản động là một sai lầm vĩ đại cùa Mác!”, TMH cũng đã xuyên tạc tư tưởng của Mác. Một nhà tư tưởng, một nhà khoa học như Mác không thể có thái độ xổ toẹt thô thiển như vậy. Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác (bài này viết Mác hàm nghĩa có Ăng-ghen) viết: “Mỗi bước phát triển của giai cấp tư sản đều có một bước tiến bộ chính trị tương ứng” (Tuyên ngôn của ĐCS, Nxb Chính trị quốc gia, 1998, tr.71); rồi: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử” (Sách đã dẫn, tr.73); rồi nữa: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trưóc kia gộp lại” (nt, tr.81). Vậy sao TMH lại cho Mác “tuyệt đối hóa tư bản là xấu”! Còn những xấu xa của CNTB nguyên thủy thời Mác mà Mác đã chỉ ra không phải xuất phát từ thái độ cá nhân mà từ sự phân tích khoa học bản chất giai cấp, bản chất quan hệ sản xuất và thiết chế xã hội TB. Do mục đích duy lợi và tính chiếm đoạt giá trị thặng dư của giai cấp thống trị, xã hội tư bản sinh ra chủ nghĩa thực dụng, coi đồng tiền trên hết, sự trao đổi chỉ dựa trên lối “tiền trao cháo múc” lạnh lùng, cho “tham lam là điều tốt”... từ đó đã dần dần làm tha hóa nhân tính, theo Mác: “dìm những xúc động thiêng liêng của con người xuống dòng nước giá lạnh của sự ích kỷ”, phá vỡ tình cảm gia đình... dần biến quan hệ con người trong xã hội thành “người với người là chó sói”. Ta đã được thấy rất nhiều những tác phẩm văn chương và điện ảnh của những nhà văn, nhà đạo diễn sống trong chính xã hội tư bản phản ánh rất sinh động những điều trên: những cuộc hôn nhân tham tiền bỏ ngãi, vì tiền bỏ vợ yếu con đau, thậm chí lấy nhau với mục đích giết nhau để chiếm đoạt tiền thừa kế hoặc tiền bảo hiểm, anh em tranh giành chém giết nhau vì tài sản của cha mẹ, các công ty thực hiện những thủ đoạn tàn độc để cạnh tranh, sự liên minh của những kẻ nắm quyền với bọn Ma-phi-a... Và quan trọng hơn hết, sự bất công và vô nhân đạo của XHTB còn gây ra mâu thuẫn đối kháng làm nảy sinh cách mạng xã hội sẽ tiêu diệt chính XHTB! Thế thì tại sao CNTB chưa bị chết? Thực tế Mác viết ra những nguyên lý, những quy luật dựa trên một xã hội mẫu, giống như những nhà khoa học làm thí nghiệm với điều kiện chuẩn vậy. Nhưng không vì thế mà những phát minh vô nghĩa. Cái chính là người ta phải hiểu cho đúng. Thực tế CNTB đã ác hơn và tham lam hơn Mác nghĩ, nó không chỉ bóc lột công nhân bản xứ mà còn đi xâm lược để bóc lột được nhiều hơn. Lịch sử loài người đã xảy ra hai cuộc Đại chiến thế giới: thứ Nhất (1914 - 1918) và thứ Hai (1939 - 1945). Đại chiến thế giới thứ Nhất thực chất là chiến tranh phân chia lại thị trường giữa một bên là Đức, Áo, Hung với một bên là Anh, Pháp, Nga, Mỹ. Kết quả là Đức thua và còn bị trói chặt bằng Hiệp ước Véc-xây. Rồi chính sự phục thù của Đức đã làm nên Đại chiến thế giới thứ Hai, một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Và chính Liên-xô, dưới sự lãnh đạo của ĐCS, đã có công lớn nhất chặn đứng được thảm họa đó; và cũng chính sự chiến thắng chủ nghĩa phát-xít đã sinh ra hệ thống các nước XHCN rồi trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Thế là trong quá trình “thích nghi để tồn tại” tránh sự diệt vong theo tiên đoán của Mác, xã hội TB đã phải tự thay đổi, một sự thay đổi dù chưa hoàn toàn nhưng cũng hướng về phía công bằng bác ái theo tư tưởng của Mác. Bách khoa toàn thư Wikipedia, một công trình của các học giả tư sản cũng phải thừa nhận: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - "Người với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội công dân mà trong đó mọi thành phần xã hội đều có thể phát triển, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội”; “hiện tượng Chủ nghĩa tư bản toàn dân như hiện nay của các xã hội Âu - Mỹ khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu của phương tiện sản xuất thông qua cổ phần”. Dù có những tiến bộ như vậy, công nhân các nước TB phát triển đã có một đời sống kha khá, chủ yếu là do khoa học công nghệ phát triển nhanh tạo ra năng suất lao động tăng vượt bậc, nhưng đúng như Mác đã chỉ ra, và ngay cả việc tính lại giá trị thặng dư theo tư duy mới cho phù hợp hơn, ta vẫn thấy phần công nhân được hưởng thực chất quá nhỏ bé so với tổng lợi nhuận mà họ làm ra. GS Triết học Mỹ Phil Gasper (Đại học Notre Dame de Namur của California) đã dẫn cụ thể: “Năm 1998, 10% dân số giàu nhất Mỹ chiếm hữu hơn 85% của cải bằng cổ phiếu và quỹ chung, 84% chứng khoán tài chính, 91% trái phiếu và 92% vốn trong các doanh nghiệp tư nhân. Trên toàn cầu con số này còn kinh khủng hơn. Chưa đến 500 người trên thế giới đang sở hữu tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại”. (Báo Tuổi trẻ, 28-11-05).

TMH viết tiếp về giai cấp công nhân: “Đồng thời việc Mác tôn vinh giai cấp vô sản lưu manh (chữ của Mác) vừa dốt, vừa đói, vừa rét lên vũ đài lịch sử để chôn tư bản khí sớm, đặng giải phóng nhân loại là một sai lầm chết người rất vĩ đại khác của Mác”. Viết vậy TMH cũng không hiểu gì khái niệm giai cấp vô sản của triết học Mác, mà chỉ hiểu theo nghĩa đen thô thiển. Trong bài “Các Mác-một tình yêu bao la” đã đăng trên mạng talawas và bị không ít người chống đối chế độ công kích, tôi đã viết: “Cũng trong “Tuyên ngôn” Mác và Ăng-ghen viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng” (tr. 97, sđd); và theo hai ông: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê”(tr.74, nt); rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản... Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản nhiều tri thức”(tr.95-96, nt). Như vậy, tầng lớp trí thức và tư sản tiến bộ cũng thuộc “giai cấp thực sự cách mạng”. Hơn nữa với chú thích của Ăng-ghen “Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại”(tr.65, nt), vậy khái niệm “giai cấp công nhân”, với ý nghĩa triết học Mác, chính là “giai cấp làm thuê hiện đại”, bao gồm tất cả những tầng lớp bị bóc lột, bị trị, bị vô sản hóa, cả những trí thức, những nhà tư bản tiến bộ, chứ không chỉ trơ trụi là những người công nhân đứng máy, những người hoạt động cơ bắp. Chính vì không hiểu điều này nên những người chống đối cho Mác sai khi đề cao sức mạnh cơ bắp, cho những người “ngu si tứ chi phát triển” làm sao mà lại “tiên phong”, lại lãnh đạo cả những tầng lớp có “đầu óc” được”.

Về phép biện chứng:

TMH viết: “Theo Hegel, sự phát triền của BIỆN CHỨNG PHÁP sẽ kết thúc ở TUYỆT ĐỐI DUY TÂM là Chúa Trời và Thiên Nhiên hoà vào nhau trong tột cùng CHÂN THIỆN MỸ, cũng là lúc tinh thần ngừng lại, không vận động nữa, biện chứng pháp cũng mất tiêu luôn các mặt đối lập thống nhất!”. Chỉ có một câu mà thể hiện chồng chất sự vô nghĩa, lầm lạc của TMH. Đã “duy tâm” là “duy tâm” (chữ duy ở đây đã đồng nghĩa với tuyệt đối rồi), còn nếu có “tuyệt đối duy tâm” không lẽ sẽ có “tương đối duy tâm” sao?!; rồi người ta chỉ có thể nói “các mặt đối lập” và “thống nhất các mặt đối lập”, còn viết như TMH “các mặt đối lập thống nhất” là cái “mặt” gì? Nếu xét về lịch sử thì phép biện chứng có sự phát triển, nhưng với Hê-ghen, ông không nghiên cứu “sự phát triển của biện chứng” như TMH viết, mà ông nghiên cứu sự phát triển của thế giới. Theo quan niệm duy tâm của ông, bản nguyên thế giới là tinh thần (tinh thần thế giới hay ý niệm tuyệt đối), sự phát triển của nó theo tam đoạn thức, thuyết ba giai đoạn, một khái niệm do Platon dùng lần đầu và được Hê-ghen phát triển. Sự phát triển xuất phát từ trong chính ý niệm tuyệt đối (trong nguyên chất tư duy), trong một loạt phạm trù logic mà nó tự vạch ra; rồi được thể hiện ra trong thế giới vật chất- một dạng tồn tại khác của ý niệm tuyệt đối; cuối cùng, khi nắm được nội dung của mình dưới dạng ý thức và hoạt động của con người, nó lại trở về ý niệm tuyệt đối ở cấp độ cao nhất, đó chính là tinh thần tuyệt đối. Lúc này mọi thứ đều tuân theo “ý Chúa”, sự phát triển của ý niệm tuyệt đối dừng lại, phép biện chứng trở thành siêu hình. Vậy nói cho đúng với triết học, câu trên của TMH phải được viết là: “Theo Hê-ghen, sự phát triển của ý niệm tuyệt đối sẽ kết thúc ở tinh thần tuyệt đối, cũng là lúc sự phát triển của ý niệm tuyệt đối dừng lại, biện chứng pháp trở thành siêu hình”. Còn viết “sự phát triển biện chứng pháp thành tuyệt đối duy tâm” như TMH là vô nghĩa.

Không hiểu đẻ ra sai, sai này lại đẻ ra sai khác, cứ thế lầm lạc vô giới hạn. TMH viết: “Bắt chước Hegel, Mác cũng cho ba thì của vận động vật chất (không có tinh thần tham dự) là nhập đề, phản đề, hợp đề lặp đi lặp lại mãi tới tận cùng là TUYỆT ĐỐI DUY VẬT, tức là chỗ vật chất ngừng lại”.

Ở đây TMH cũng đưa ra khái niệm vô nghĩa “tuyệt đối duy vật” như đã phân tích về “tuyệt đối duy tâm” ở trên. Vì không phân biệt được duy vật biện chứng với duy vật lịch sử, vo tròn lại, TMH đưa ra những phân tích ngô nghê, những kết luận ông chẳng bà chuộc, không ăn nhập gì với nhau. TMH viết: “TUYỆT ĐỐI DUY VẬT, tức là chỗ vật chất ngừng lại” thì khúc đầu vô nghĩa, khúc sau ngược với triết học Mác.  Với chủ nghĩa duy vật biện chứng, quy luật “vật chất luôn vận động” là điều kiện để vật chất tồn tại, nó cũng là sự thật hiển nhiên; điện tử chỉ ngừng quay quanh hạt nhân nguyên tử trong tích tắc thì toàn bộ thế giới sẽ thành hư vô. Đây là một quy luật khách quan, không phụ thuộc vào Hê-ghen hay Mác, kể cả Chúa (nếu có), và nó cũng không phụ thuộc vào bất kỳ chế độ xã hội nào, xã hội Cộng sản hay Tư bản.  Sai lầm khi đồng nhất “thống nhất các mặt đối lập trong thế giới vật chất” với “đấu tranh giai cấp trong xã hội”, một cái là quy luật khách quan trong thế giới tự nhiên, một cái là quy luật chủ quan do con người vạch ra, một cái không gì có thể can thiệp, một cái con người có thể hiểu và tác động, vận dụng hoặc tránh né; nên TMH mới hiểu sai là Xã hội Cộng sản không còn đấu tranh giai cấp thì vận động của vật chất sẽ dừng lại. Hết đấu tranh giai cấp thì sự phát triển về chế độ do giai cấp lãnh đạo sẽ dừng lại, theo Mác: “chế độ tự quản xã hội” sẽ được thiết lập, như mọi sự vật và hiện tượng, nó sẽ còn mâu thuẫn nhưng không phải là đối kháng. Lẽ ra phải viết phép biện chứng duy vật lúc đó cũng sẽ trở thành siêu hình như trường hợp biện chứng duy tâm đã nói ở trên, TMH cũng lại nghô nghê: “SAI LẦM VĨ ĐẠI THỨ BA CỦA MÁC LÀ TRỞ VỀ QUAN NIỆM DUY TÂM CỰC ĐOAN CỦA HEGEL”. Hệ thống triết học Mác là duy vật, nó thống nhất và liên quan chặt chẽ với nhau, thể hiện bằng những nguyên lý cơ bản. Về tự nhiên cho: Vật chất có trước, quyết định và sinh ra ý thức; sự tồn tại và vận động phát triển của thế giới vật chất là khách quan, không phụ thuộc vào ý thức. Còn về xã hội cho: tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng v.v... Tất cả những người có học và hiểu đúng đều phải hiểu như vậy. Làm gì có chuyện biến đổi tâm-vật, vật-tâm lung tung như TMH viết.

Về chế độ tư hữu

TMH trích trong TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN: “Marx viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản. Nhưng chế độ tư hữu hiện thời, chế độ sở hữu tư sản, lại là biều hiện cuối cùng và hoàn bị nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên cơ sở những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia.

       Theo ý nghĩa đó, những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này : xóa bỏ chế độ tư hữu…

Ở chỗ khác, TMH trích một loạt câu khác nữa thể hiện tư tưởng của Mác về chế độ tư hữu, vì quá dài tôi chỉ xin trích lại một câu:

“Chủ nghĩa cộng sản coi như sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hoá ấy của con người – và do đó coi như sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi vì con người và vì con người”.

Mặc dù tư tưởng của Mác được trình bày rất mạch lạc, dễ hiểu, TMH do không hay cố tình không hiểu đã kết án Mác một cách rất hung hãn như: “Việc chủ trương xóa bỏ triệt để tính tư hữu con người của Marx là hành vi xóa bỏ chính con người, chống lại nhân loại phản động vô cùng tận của học thuyết Marx.”

Rõ ràng, viết vậy TMH đã sai khi đồng nhất khái niệm “chế độ tư hữu” với “tính tư hữu”, một đằng chỉ hình thái kinh tế-xã hội được quy định bởi hình thức chiếm hữu của cải vật chất do lao động xã hội tạo ra, một đằng thuộc về bản tính con người. Vì thế tất cả phân tích của TMH sau đó trở thành huyên thuyên vô nghĩa rất buồn cười như “tôi là chính tôi; và vì vậy tôi là của tôi, tôi là tư hữu tôi chứ không hề là công hữu của bất cứ một thực tại ngoại lai nào khác... Linh hồn tôi, tư tưởng tôi của riêng tôi, vợ con của riêng tôi, đất nước dân tộc vừa là của chung mọi người nhưng vẫn có thể coi là của riêng tôi. CÁI GÌ CỦA RIÊNG TÔI, CÁI ẤY LÀ TƯ HỮU, CÁI ẤY LÀ NHÂN TÍNH,LÀ CÁ NHÂN, LÀ BẢN NGÃ, LÀ CHỦ THỂ TRƯỜNG TỒN !”

          Về con người

TMH cho: “Marx đã hoàn toàn rơi vào duy tâm chủ quan khi tuyệt đối hoá yếu tính xã hội của con người”, khi trích: “Trong “Luận cương về Phơ-bách”... Marx viết : “Phơ-bách hòa tan bản chất tôn giáo vào bản chất con người. Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội…”; “…Vì thế, Phơ-bách không thấy rằng bản thân “tình cảm tôn giáo” cũng là một sản phẩm xã hội mà cá nhân trừu tượng mà ông phân tích, trên thực tế, là thuộc một hình thức xã hội nhất định…”. Như vậy TMH lại hoàn toàn không hiểu. Viết như trên, Mác không phải “duy tâm chủ quan”, hệ tư tưởng coi chủ quan con người quyết định ý thức, mà thực chất Mác đã nói theo quan niệm duy vật lịch sử cho tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. TMH viết tiếp: “Với định nghĩa về con người tuyệt đối sai trái” Mác đã “phủ nhận con người tự nhiên, tuyệt đối hoá vai trò xã hội của con người”. Con người tự nhiên là con người sinh học, Mác không hề phủ nhận, nếu phủ nhận sự tồn tại cũng như vai trò của nó với tư cách một loài duy nhất có tư duy trong thế giới tự nhiên, người ta còn nghiên cứu mọi thứ vì nó làm gì. Nhưng con người tự nhiên, nếu sống cô lập hoàn toàn với các quan hệ xã hội, thì chỉ có ý thức bản năng đơn giản mà thôi. Viết như trên, Mác chỉ phê phán Phơ-bách cho bản chất tôn giáo là bản chất tự nhiên của con người, Mác cho tín ngưỡng không phải có sẵn trong đầu mà do hoạt động tôn giáo của con người trong xã hội hình thành nên. Điều này hoàn toàn đúng, vì nếu ai đó lớn lên không học kinh lễ, không đi chùa, không đi nhà thờ, chỉ đi học và hiểu khoa học, họ sẽ hoàn toàn vô thần; thực tế đã chứng minh như vậy, riêng bản thân tôi cũng có thể là một dẫn chứng, vì phép giao tế trong gia đình vợ, tôi thường tham dự những lễ nghi tôn giáo, tôi luôn có cách ứng xử văn hóa, nhưng tôi không bao giờ trở thành một tín đồ, đơn giản chỉ vì đạo của tôi là đạo khoa học. Thực chất, với triết học Mác, con người đã được định nghĩa toàn diện nhất: “Khả năng đối xử có tính người đối với thế giới và đối với những người khác, khả năng lao động, giao tiếp với những con người chung quanh, khả năng tư duy, có những tình cảm đạo đức và những xúc cảm thẩm mỹ-tất cả những cái đó đều không phải là những đặc tính của cơ thể... Những nét ấy được hình thành nhờ chỗ con người tham gia vào hệ thống các quan hệ xã hội, vào quá trình lao động, đi liền với... quá trình nắm vững và tái tạo nền văn hóa xã hội... Con người... kẻ sáng tạo ra lịch sử, kẻ sáng tạo ra thế giới văn hóa vật chất của mình, và theo nghĩa này, cũng sáng tạo ra chính bản thân mình” (Từ điển triết học đd, tr. 99). Vậy mà TMH cho: “Con người - đối tượng nghiên cứu của Marx là con người vật dục, con người của DUY miếng ăn và DUY cái dạ dày...! CON NGƯỜI TRONG HỌC THUYẾT MÁC LÀ CON NGƯỜI DUY LỢI, DUY ÁC, DUY KINH TẾ, DUY GIAI CẤP và do đó là CON NGƯỜI DUY TÂM, DUY Ý CHÍ - một hình nhân chứ không phải một con người đúng nghĩa!” thì có phải là suy diễn lành mạnh của một con người không?

Chủ nghĩa Mác ở Việt Nam

       TMH cho việc ĐCS Việt Nam thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện là “đã tiêu diệt MỆNH ĐỀ ĐỐI LẬP của biện chứng pháp”. Viết vậy, TMH lại không hiểu gì. Với triết học Mác, các mặt đối lập là phương thức tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng, sự mâu thuẫn giữa chúng là nguyên nhân vận động và nguyên lý của mọi sự phát triển. Vì thế không ai có thể thủ tiêu được, giả sử có thể thủ tiêu thì có nghĩa là đã thủ tiêu cả vũ trụ! Vậy mọi phân tích của TMH về điều này cũng lại vô nghĩa nốt. TMH đồng nhất các đảng đối lập do chủ quan con người thành lập ra trong các chế độ chính trị với các mặt đối lập của các sự vật hiện tượng là khập khễnh. Một đằng không thể không có, như không có sự đối lập điện tích giữa điện tử âm và hạt nhân dương thì không thể có nguyên tử tạo nên mọi vật kể cả bản thân con người, còn một xã hội không có đảng đối lập, có thể tốt hoặc xấu, nhưng hoàn toàn có thể tồn tại. Vậy độc đảng hay đa đảng, tốt hay xấu, là tùy theo tình hình của một nước. Những nước dân chúng có trình độ cao (tức họ có khả năng làm chủ bản thân mình), tương đối thuần nhất về ý thức hệ chính trị, chế độ đa đảng là tốt, các đảng đúng là các mặt đối lập tạo mâu thuẫn cho sự phát triển; còn những nước trình độ dân chúng không biết dân chủ để làm gì, và đặc biệt nước ta, với một lịch sử đầy những biến động do nhiều thế lực xâu xé, đã tạo nên quá nhiều sự đối kháng: về ý thức hệ, về quyền lợi, về tình cảm và về văn hóa... Với thực trạng “phong trào dân chủ” ở nước ta, với nhân cách và tài năng của những vị “lãnh tụ dân chủ” và những “chiến sĩ” chẳng khác gì những “Hồng vệ binh dân chủ”, nên nếu có đa đảng, tôi đoán chắc nước ta sẽ đẻ ra không phải những đảng đối lập mà là đảng đối kháng, không phải tạo ra mâu thuẫn cho sự phát triển theo Mác mà là sự tranh giành quyền lực, quyền lợi và tiêu diệt lẫn nhau, chỉ làm nước mình loạn mà thôi. Tất nhiên là một người bình thường, tôi không thể không thích dân chủ, tự do, những giá trị vĩnh cửu của loài người như cơm no áo ấm vậy. Nhưng coi dân chủ tự do như mặt hàng công nghệ có thể xuất khẩu được từ nước này sang nước khác là một sự ảo tưởng ngu dốt và phi thực tế, những điều đã được chứng minh rất rõ trong thế giới hôm nay, mà I-rắc là một ví dụ nóng hổi nhất. Mà sự phát triển cần phải tuân theo quy luật “lượng đổi chất đổi”, “lượng” ở đây là lượng trí tuệ, lưọng văn minh của một đất nước, khi tích lũy đủ nó sẽ chuyển sang “chất” khác, “chất” ở đây là xã hội ở một cấp độ phát triển cao hơn. Tôi nghĩ về thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước, chỉ có những người VN thành đạt về học vấn, về kinh tế, có khả năng quản lý, có tài, có đức trên khắp thế giới (Trung Quốc đã thực hiện), tức những người đã lo được cho mình mới có thể lo cho mọi người, sẽ đưa được nước ta lên một tầm cao khác. Còn toàn là trí tuệ cắc ké kỳ nhông thử hỏi sẽ đưa đất nước VN đến đâu?!

Về một đường lối chủ yếu mà ĐCSVN đã vạch ra cho đất nước ta đi trong những ngày hôm nay, TMH viết: “Câu văn “Nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta ” là một câu văn viết sai tiếng Việt hoàn toàn, sai logic... hoàn toàn vô nghĩa vì nó rất ngô nghê, buồn cười... Kinh tế thị trường tức là kinh tế tư bản, một nền kinh tế tự do; còn kinh tế Xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế độc quyền, phi tự do. Hai nền kinh tế trái ngược nhau như nước với lửa, có tao thì không mày, có mày thì không tao!”

Theo phép biện chứng, mọi sự vật hiện tượng luôn vận động phát triển. Chính những ngày hôm nay đã nảy sinh ra những cái mới. Với chế độ XHCN cũ và TBCN cũ thì chỉ có thể nói chuyện với nhau bằng súng ống. Nhưng nay Trung quốc lại có hình thái một nước hai chế độ. Nhìn lại lịch sử ta thấy, nền kinh tế phát triển tự do từng có những cuộc khủng hoảng thiếu hoặc thừa; còn nền sản xuất kế hoạch tập trung lại dẫn đến sự kìm hãm sức sản xuất; vì thế cả hai phe đã học tập cái tốt của nhau và khắc phục cái xấu của mình. Về cái tốt của CNXH, cũng Bách khoa toàn thư Wikipedia viết: “Các nhà nước tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội đã triển khai một số các biện pháp kinh tế chính trị xã hội mà ngày nay đã được áp dụng một cách hợp lý sau khi loại bỏ đi những hạt nhân phi hợp lý như: kế hoạch hóa quy mô vĩ mô, dồn nguồn lực quốc gia cho những dự án lớn có tính quan trọng sống còn, hệ thống bảo hiểm xã hội toàn quốc...Đó là những đóng góp của chủ nghĩa xã hội cho tri thức quản lý nhà nước của nhân loại”. Vậy sự lắp ghép hai phương thức sản xuất XHCN và TBCN thành một phương thức mới mang tính chất của cả hai cũng không có gì là lạ, thậm chí còn phù hợp với quy luật lai tạo trong sinh học; và thực tế của Trung Quốc và Việt Nam những ngày hôm nay đã chứng tỏ nó cũng đã tuân theo thuyết Tiến hóa của Đác-uyn (cần phân biệt tính khoa học về sự phát triển của thuyết Tiến hóa Đác-uyn, mà Ăng-ghen cho rằng hoàn toàn phù hợp với phép biện chứng duy vật (Từ điển triết học đd, tr.42), với sự đồng nhất sai lầm giữa “đấu tranh sinh tồn” với “động lực phát triển xã hội” của những người theo thuyết Đác-uyn xã hội. Một đằng là sự thích nghi toàn diện với môi trường sống, một đằng chỉ dựa trên tập tính giống loài và đối kháng mạnh-yếu; một đằng là ứng xử có ý thức giữa con người với con người, một đằng là ứng xử tự nhiên không ý thức giữa thú với thú), sự lai tạo đã có những sự thích nghi với môi trường chính trị, kinh tế của thế giới hôm nay, nên đã tồn tại và phát triển nhanh nhất. Giống như cậu học trò học vẹt, học lỏm, TMH cũng như một số người, vì muốn chống đối, đã trói chân các khái niệm đứng yên một chỗ  không cho nhúc nhích đi đâu được nữa, nên không hiểu được cái mới.

Với tinh thần khoa học, khách quan, chúng ta cũng thấy thực tiễn lịch sử cách mạng XHCN dù đạt nhiều thành công vĩ đại nhưng còn nhiều sai lầm trầm trọng nên mới có sự tan vỡ của nhiều nước. Riêng tôi thấy nguyên nhân chủ yếu là do: một mặt chúng ta vừa giáo điều, siêu hình hóa tư tưởng khoa học của Mác khi cho chúng như kinh thánh, rồi từ việc thần thánh hóa Mác đã sinh ra tệ sùng bái cá nhân sau này, gây ra nhiều tai họa, trong khi Mác, trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản năm 1872, đã viết: “việc áp dụng những nguyên lý... cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử”, rồi “không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra... ngày nay mà viết lại... cũng phải viết khác đi”.(Sđd, tr. 9); một mặt lại quá “sáng tạo”, không tuân theo quy luật “lượng đổi chất đổi” mà nóng vội muốn chuyển ngay kiểu “chất chuyển sang chất”, bỏ qua phương thức SXTB, phương thức làm ra nhiều của cải, trong khi trình độ lực lượng sản xuất, lượng của cải xã hội chưa đủ để diệt lòng tham của con người, điều kiện tối cơ bản để có thể thực hiện được những tính chất của XHCN. Trong quá trình triển khai các quy trình khoa học xã hội, chúng ta chưa đề ra được các biện pháp để có thể tìm ra được những con người xứng đáng ở các vị trí xã hội trọng yếu, cơ chế vận hành xã hội đúng đắn, để có thể thực hiện được tính ưu việt của chế độ XHCN và lý tưởng công bằng bác ái của Mác, chưa tạo ra được một môi trường để: “Trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Từ đó ta cũng thấy, hiểu đúng rồi làm đúng được theo Mác là điều không đơn giản. Nhưng sự sụp đổ của một số nước XHCN không có nghĩa là những nguyên lý khoa học của Mác sai, vì có những quy trình đúng, sự thực hiện sai cũng không thể thành công được. Cuối cùng, dù thế giới này biến đổi thế nào, dù có nhiều điều Mác viết đến nay không còn phù hợp nữa mà chính Mác cũng đã cảnh báo trước, nhưng với tư cách một nhà tư tưởng, một nhà khoa học xã hội, tư tưởng công bằng bác ái, những quy luật phát triển của Mác mãi mãi còn giá trị trong kho tàng tri thức nhân loại.

Riêng nước ta, nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhưng ai cũng thấy là nền kinh tế chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và cơ bắp chứ không phải nền kinh tế tri thức, còn tụt hậu và đặc biệt nước ta còn hai quốc nạn lớn là tham nhũng và lãng phí. Trên báo chí, trên diễn đàn của Đại hội Đảng và Quốc hội đã có những ý cho rằng, không phải chỉ do thoái hóa của một số cán bộ đảng viên mà còn có phần do chính cơ chế xã hội có những điểm chưa phù hợp. Đã có nhiều ý kiến cần phải đưa ra thể chế sao đó để người ta không cần phải tham nhũng và những kẻ tham lam có muốn tham nhũng cũng không dám. Được vậy, sự tăng trưởng kinh tế không chỉ 7-8% mà chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Nếu nước ta xóa được hai quốc nạn trên, với vận hội mới và uy tín mới, với sự ổn định, với một cơ chế phát huy được tối đa sức sáng tạo của mọi người, sự tiếp cận được những giá trị nhân văn mới của thế giới hiện đại, rất có thể VN sẽ là một hình mẫu mới, như chúng ta đã từng là biểu tượng anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược. Ngược lại, nếu không ngăn chặn được những quốc nạn và không thay  đổi những quan điểm đã thành lạc hậu, mất mát lớn nhất không phải vật chất mà là mất lòng tin của nhân dân, nhất là ở thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Vì trẻ nên chuộng cái mới, nhưng họ chưa từng trải nên chỉ biết hôm nay mà không biết hôm qua; chỉ thấy hiện tượng mà không hiểu bản chất, ít hiểu đúng và sâu sắc quá khứ. Và như thế, như cảnh báo của nhiều người, nhất là những vị lão thành cách mạng, những quốc nạn và tư duy lỗi thời nêu trên sẽ là nguy cơ của đổ vỡ, của xáo trộn và bần hàn.

Vài lời kết

Bài này tôi chỉ viết một số vấn đề quan trọng mà TMH đã viết sai, thực tế không chỉ thế, mà toàn bộ những bài viết của TMH về rất nhiều vấn đề đăng trên mạng thời gian qua cũng đều sai đến từng “nguyên tử chữ”, vì thế tất cả những phân tích, kết luận theo đó cũng hoàn toàn vô nghĩa. Tại sao một tên tuổi như TMH lại sai trái đến thế? Câu trả lời thật đơn giản, vì triết học là khoa học khái quát mọi khoa học, nên ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ khái niệm, mỗi khái niệm lại có những nội hàm và ngoại diên chứa đựng nhiều tri thức. TMH không có tri thức nền, nên dù có đọc hàng ngàn cuốn sách cũng không hiểu nổi dù chỉ là những khái niệm cơ bản, chỉ có thể hiểu được một cách nôm na tất dẫn đến suy diễn nôm na, lại mất tỉnh táo vì thiên kiến lệch lạc, sự ảo tưởng về khả năng, cộng với một nhân cách quái dị, nên TMH đã chủ quan đưa ra những kết luận cực đoan, hoàn toàn mang tính xuyên tạc. Có những sự kiện TMH nêu ra là đúng về hiện tượng, nhưng đều bị phân tích sai về bản chất. Để viết nên 10 bài, TMH phải mất hai năm đọc 60 cuốn sách dày cộp về chủ nghĩa Mác, để viết bài phủ nhận TMH này, tôi không cần đọc cuốn nào cả, chỉ những chỗ cần chính xác theo tinh thần văn bản học tôi mới phải tra cứu. Chỗ khác nhau giữa tôi và TMH là vậy, tôi viết bằng tri thức của tôi, còn TMH viết bằng sự đọc, nhưng sự đọc lại không có ý nghĩa gì khi không có sự hiểu. Nếu đối đáp hết những ý của TMH thì có lẽ tôi phải viết cả tập sách dầy, nhưng thiết nghĩ không cần phải phí công thế.

Khi viết, TMH luôn nhân danh sự thật, khoa học, đạo đức, văn hóa, chỉ vì học thuật chứ tuyệt nhiên không xúc phạm cá nhân. Sự thực ngược lại. Thái độ của TMH ở những bài viết lần này đối với cả tổ chức ĐCSVN và Các Mác, cũng không khác gì thái độ vô văn hóa đối với nhiều vị giáo sư, các nhà văn trong các bài trước đây, thậm chí còn hỗn xược hơn.

Với dự thảo nghị quyết của Đảng, TMH ngông cuồng chê bai: “sai một cách vĩ đại”; “câu văn ngô nghê nhất thế giới”; “nền giáo dục của Đảng hiện nay là nền giáo dục “ngu dốt có định hướng”.

Với Mác, một người mà đến những người có tư tưởng đối lập với ông cũng có những người phải vị nể, cũng bị TMH ngông cuồng phỉ báng: “sai lầm chết người rất vĩ đại của Mác”; “Chính quan niệm triết học thậm ngu dốt này của Mác”; “thậm ngu dốt tức cười, vớ vẩn”; “thô thiển và ngu ngốc như Marx”; “Marx mới dám nói liều lĩnh nhất trong những người nói liều lĩnh”; “một sự tối ngu dốt của Marx”; “chống lại nhân loại”; “phản động vô cùng tận”...

Chưa hết, TMH còn ngông cuồng vận động: “chúng tôi (TMH) kêu gọi tất cả những nhà khoa học trong ngành khoa học nhân văn (người Việt Nam) ở trong nước và nước ngoài..., những người còn có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa con voi và con kiến, còn có lòng yêu nước, hay còn khả năng yêu nước, thương nòi, hãy vì dân tộc đau thương, bi thảm và nước Việt buồn của chúng ta mà bỏ qua sĩ diện không thèm đối thoại với “nhà cầm quyền Hà Nội độc tài, độc quyền chân lý…” đặng cùng nhau lên tiếng, xem rằng : chủ nghĩa Marx rốt cục LÀ PHÚC HAY HỌA CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN LOẠI”.

Và cuối cùng, TMH ngông cuồng thách thức: “Chính vì vậy mà tôi dám thách cả chế độ của ĐCSVN các ông, thách cả Bộ chính trị, thách cả Ban chấp hành trung ương ĐCSVN, thách cả các nhà văn đảng viên (bảo thủ) của ĐCSVN tranh luận với tôi công khai về tất cả mọi điều hệ trọng của đất nước, dân tộc xoay quanh tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá của xã hội Việt Nam hôm nay, xoay quanh 11 bài góp ý của tôi, tranh luận trên tất cả các diễn đàn trong nước và hải ngoại”.

Về điều này, khi tôi tỏ ý viết, bạn bè can “chấp làm gì” với một người mà dư luận đã thành văn cho là phản Chúa, phản Đảng, phản thầy, phản đồng đội, phản bạn, phản vợ, phản con, và phản cả chính bản thân mình. Bởi TMH hôm nay chửi bới chính TMH hôm qua, bài viết này chửi bài viết kia, ý câu trên chửi ý câu dưới, vì chúng đều là sản phẩm của một tư duy không biết khoa học là gì. Quả thực, nếu trên thế giới mọi người đều có trình độ, tôi không những không viết mà còn không đọc, vì trước nay tôi luôn cho trình độ của TMH chỉ mới biết mặt chữ mà thôi. Tiếc là thế giới không phải ai cũng hiểu được TMH viết đúng hay sai. Chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm, không còn sự đối kháng về ý thức hệ chính trị trên toàn cầu, bao kẻ thù đã thành bè bạn, nhưng nhân tâm một bộ phận người Việt vẫn chưa thu về một mối, dù sự bang giao, uy tín và vị thế của VN ngày càng tăng trên trường quốc tế; thêm vào đó những cơ chế chưa hợp lý gây ra những quốc nạn về quan liêu, tham nhũng, lãng phí gây ra những bất bình rất lớn; vì thế trên mạng thông tin toàn cầu, những điều sai trái thường lan truyền rất nhanh, bất kể đúng sai, vẫn được tung hô, cỗ vũ ghê ghớm. Vì vậy, tôi, dù không có trong danh sách TMH thách thức, nhưng với trách nhiệm của một công dân, tư duy của một người làm khoa học, sứ mệnh của một người cầm bút, với lương tâm và lương tri, thấy mình cần phải viết, dù biết trước, dây với TMH là sẽ bị bôi bẩn, bị vu khống, bị xuyên tạc, bị phỉ báng, bởi lý lẽ sẽ bị thủ tiêu, lương tâm bị bôi đen, lương tri bị bịt mắt bởi một con người mà với tất cả sự sai trái và thái độ đã phân tích ở trong bài này, dù hết sức thận trọng, tôi hoàn toàn có thể nói là thực sự vô học, nhưng lại ảo tưởng, mắc bệnh vĩ cuồng. Nên dù TMH có đáp lại bài này, với tôi việc đó là vô nghĩa.
Đông La

TPHCM 16-5-2006

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4