Tác giả: THU HÀ
Giáo sư Đỗ Tiến Sâm cho rằng, người VN đều mong muốn được sống hòa bình với nước láng giềng phương bắc nhưng luôn có tinh thần cảnh giác cao đối với các chính sách và hành động của TQ.
>> Kỳ 1: Quan hệ Việt-Trung: Bài học từ lịch sử
Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện giữa nhà báo Thu Hà và GS Trần Văn Thọ, ĐH Waseda, Nhật Bản về đối thoại trí thức Việt - Trung mới diễn ra tại Nhật.
Nhà báo Thu Hà: Thưa GS, trong lịch sử quan hệ Việt-Trung, giai đoạn thời cận hiện đại chắc là phức tạp?
GS. Trần Văn Thọ: Thời cận hiện đại đúng là có nhiều vấn đề phức tạp và có sự khác biệt nhiều giữa ý kiến của trí thức VN và TQ.
Bản báo cáo của GS Phan Kim Nga (Pan Jine), Viên Khoa học Xã hội TQ, chia quan hệ Việt Trung thành 4 giai đoạn: (1) Từ thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ 19: Quan hệ triều cống giữa nước nhỏ và nước lớn, (2) Từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thập niên 1970: Hai nước sát cánh nhau trong việc chống thực dân cũ và mới, (3) Từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980: giai đoạn đối đầu, và (4) Từ 1991 đến nay là giai đoạn hợp tác toàn diện, phát triển nhanh, nhưng trong đó từ cuối năm 2007 xảy ra một số sự kiện phức tạp làm cho quan hệ hai nước có nhiều mặt căng thẳng và có khả năng phát triển theo xu hướng xấu.
Quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo hai nước là nền tảng quan trọng nhất trong việc TQ giúp VN chống Pháp và Mỹ |
Nhà báo Thu Hà: Như vậy tác giả cho rằng giai đoạn 2 là giai đoạn tốt nhất và giai đoạn 3 là xấu nhất?
GS. Trần Văn Thọ: Các trí thức khác phía TQ hầu như có cùng quan điểm này. Đặc biệt nửa sau của giai đoạn 2 được xem là "vừa là đồng chí vừa là anh em".
Cùng quan điểm cho rằng giai đoạn (2) là thời đại hai nước Việt Trung có quan hệ tốt nhất, Phó giáo sư Lưu Chí Cường (Liu Zhiqing) thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây đặc biệt phân tích quan hệ cá nhân giữa Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Tác giả cho rằng "quan hệ cá nhân đó đã trở nên nền tảng quan trọng nhất trong việc TQ giúp VN chống Pháp và Mỹ". Bài viết của vị này rất công phu, tham khảo rất nhiều sách, báo, hồi ký, tư liệu, chủ yếu do học giả và cựu lãnh đạo đảng Cộng sản TQ viết, gồm cả những công trình nghiên cứu dựa trên tư liệu hồ sơ ngoại giao mới được công khai.
Theo giáo sư Lưu Chí Cường, quan hệ giữa các lãnh tụ hai nước bắt đầu từ năm 1922 tại Paris. Năm đó, Hồ Chí Minh kết bạn với Chu Ân Lai và giới thiệu nhiều thanh niên TQ gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cũng theo tác giả, sau này (năm 1956) Chu Ân Lai có nói "Hồ Chí Minh là người dẫn đường cho tôi". Năm 1926 Chu Ân Lai giới thiệu Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông tại Trường đào tạo Phong trào nông dân ở Quảng Châu và từ đó quan hệ giữa Hồ Chí Minh với hai lãnh tụ của TQ ngày càng mật thiết và tin cậy nhau. Tác giả dành nhiều trang viết về sự giúp đỡ mà tác giả đánh giá là chí tình và có hiệu quả của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đối với các hoạt động của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc và Liên Xô từ giữa thập niên 1920 đến năm 1950, như thành lập VN Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội (1925), thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch (1942), v.v..
Còn nhiều khác biệt
GS. Trần Văn Thọ: Xin nói thêm về bản báo cáo của giáo sư Lưu Chí Cường. Trong giai đoạn VN chống Pháp 1946-1954, ngoài Nhật ký Trần Canh (cố vấn TQ trong chiến tranh chống Pháp) xuất bản năm 1984, tác giả dùng nhiều tư liệu công bố, xuất bản tại Trung Quốc trong thời gian từ khoảng năm 2000 trở về sau như bài viết "Chúng tôi cũng sùng bái Hồ Chí Minh" của Hồng Tả Quân (Kiến Thức thế giới, số 3 năm 1999), "Tình nghĩa Trung Quốc của Hồ Chí Minh" của Lý Quần Anh (Kiến thức thế giới, số 2 năm 2007), Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông của Viện Khoa học xã hội Quảng Tây (NXB Kiến thức thế giới, 2007), "Những ngày tháng cuối cùng của thủ tướng Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh" của Hồng Tả Quân (Bách niên triều, số 3, 2008), v.v..
Có lẽ trong khoảng 10 năm gần đây Trung Quốc chú trọng nghiên cứu, công bố nhiều tư liệu liên quan đến Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Trung trong giai đoạn 1920-70. Từ các tư liệu này, Lưu Chí Cường cho rằng trong chiến tranh chống Pháp, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam chí tình và yếu tố lớn nhất là sự tin cậy, thân tình giữa Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.
Về Hội nghị Geneve, tác giả cho rằng "dưới sự thúc đẩy của Chu Ân Lai, hai nước Trung Việt đã đạt được thỏa thuận chung" phản ảnh trong nội dung của bản hiệp định và đánh giá đó là bản hiệp định hợp với tình hình thực tế lúc đó và có lợi cho VN. Từ nhận định đó tác giả không tán thành ý kiến của một học giả Đài Loan cho rằng "Hiệp định Geneve là mâu thuẫn lần thứ nhất giữa hai Đảng".
Bài viết giới thiệu nhiều giai thoại về các cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, về các cuộc đối thoại giữa Trần Canh và Hồ Chí Minh, v.v.. Có cả nhiều ảnh tư liệu về các cuộc gặp giữa các lãnh tụ hai nước. Trong phần kết luận, tác giả cho rằng phong cách cá nhân đã làm cho các lãnh đạo hai nước đối xử với nhau chân thành, rất quân tử. Cuối cùng tác giả cho rằng hiện nay quan hệ hai nước trên căn bản là hòa bình, hữu hảo nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức mà thách thức này bắt nguồn từ sự thiếu tin cậy, thiếu sự hiểu biết giữa hai bên.
Về cá nhân tôi rất mến giáo sư Lưu Chí Cường, một học giả trẻ có năng lực và thành thật trong nghiên cứu. Bản báo cáo về quan hệ cá nhân giữa Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai rất công phu. Tuy nhiên nghĩ tới sự phản bội ở Hội nghị Geneve và nhất là chính họ đã trực tiếp quyết định và chỉ đạo đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, ta có thể đặt nhiều nghi vấn về thái độ của họ trong quan hệ với lãnh tụ của VN. Nhưng ở hội nghị đối thoại trí thức hai nước chúng tôi không có thì giờ đi xa hơn nội dung bản báo cáo của giáo sư Lưu Chí Cường.
Nhà báo Thu Hà: Giai đoạn mà mối quan hệ giữa hai nước "vừa là đồng chí, vừa là anh em" trở nên xấu đi được giới học giả hai nước phân tích như thế nào? Thưa giáo sư?
Nói về giai đoạn xấu nhất trong quan hệ Việt Trung, một phó giáo sư của Đại học Thanh Hoa (theo yêu cầu vị này, tôi xin không nêu tên ở đây) trong hội nghị trù bị năm ngoái cho rằng giai đoạn Việt Nam theo đuổi chính sách nhất biên đảo, ngả về Liên Xô là xấu nhất. Theo vị này, VN đã nghi ngờ viện trợ của TQ trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ là cách nước này khống chế hơn là thực tâm giúp.
Vấn đề Campuchia cũng là một trở ngại làm quan hệ hai nước xấu đi.
Nhà báo Thu Hà: Đó là ý kiến riêng của trí thức Trung Quốc, vậy trí thức Việt Nam đã phản biện như thế nào? Thưa Giáo sư?
GS. Trần Văn Thọ: Giáo sư Chu Hảo cho rằng, trên bản chất, quan hệ Việt Trung chỉ cần chia ra 3 giai đoạn:
1) Thời kỳ chế độ quân chủ của VN từ năm 938 đến năm 1884 mà nét đặc trưng là quan hệ triều cống của nước nhỏ đối với nước lớn.
2) Thời kỳ thuộc địa (là chủ yếu) của cả hai nước từ 1885 đến 1949, giai đoạn này hai quốc gia ít có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
3) Thời kỳ quan hệ giữa hai nhà nước xã hội chủ nghĩa từ năm 1950 đến nay. Đây là một giai đoạn hết sức đặc biệt: trên danh nghĩa thì "vừa là đồng chí vừa là anh em", nhưng trên thực tế thì có rất nhiều mảng tối được đặc trưng bởi sự không thành thật, nói một đằng làm một nẻo.
Giáo sư Chu Hảo nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ chí tình, kể cả bằng xương máu của nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc cảu Việt Nam. Đồng thời, ông cũng không quên nhắc một thực tế khác, khi có lúc Việt Nam đã phải nếm vị đắng trong quan hệ với nước này, như đàm phán Geneva 1954, hay gặp gỡ Mỹ - Trung 1972.
Những vấn đề mới trong quan hệ Việt - Trung, trong đó có nhập siêu lớn của VN với TQ làm quan hệ căng thẳng |
Quan hệ "16 chữ" và "4 tốt", nhưng không phải có những lúc, thực tế trái với tinh thần của những khẩu hiệu ngoại giao tốt đẹp ấy.
Nhà báo Thu Hà: Cuối cùng, hai bên có tìm được tiếng nói chung khi lý giải lịch sử hay không?
GS. Trần Văn Thọ: Có lẽ nhiều người phía TQ không nhất trí với quan điểm này nhưng cũng không có tích cực phản luận, ngoại trừ ý kiến của phó giáo sư Lưu Chí Cường cho rằng sự phát triển nhanh trong quan hệ ngoại thương và đầu tư trong nhiều năm qua giữa hai nước là kết quả của tinh thần "hợp tác toàn diện", 4 trong 16 chữ.
Còn giáo sư Phan Kim Nga thì cho rằng những sự kiện phức tạp gần đây trong quan hệ hai nước là do những nguyên nhân khác, cụ thể như sau: Tranh chấp trên biển (hai nước đều đưa ra những cơ sở lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình, có sự khác nhau trong lý giải về Luật biển công ước năm 1982), kinh tế và thương mại (nhập siêu của VN đối với TQ quá lớn), nhận thức về lịch sử (nhất là lịch sử cận hiện đại), và các thách thức mới.
Nhà báo Thu Hà: Các thách thức mới ấy là gì, theo quan điểm của vị học giả Trung Quốc, thưa Giáo sư?
GS. Trần Văn Thọ: Trong những thách thức mới, giáo sư Phan Kim Nga nhấn mạnh bốn điểm. Một là, khi thực lực kinh tế hai nước tăng lên, ý thức dân tộc cũng tăng làm cho tranh chấp chủ quyền nổi lên.
Hai là, trụ cột quan trọng để giữ gìn quan hệ tốt đẹp của hai nước là ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản nhưng bây giờ suy nghĩ của người dân hai nước có khuynh hướng khác trước nên trụ cột đó dần dần mất đi.
Ba là, cơ cấu dân số Việt Nam thay đổi, tỉ lệ người sinh ra sau năm 1975 chiếm phần lớn và họ dần dần không biết đến "hình ảnh nhân dân hai nước Trung Việt cùng đổ máu, giúp đỡ nhau chống thực dân và xây đắp nên tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em".
Bốn là, theo vị học giả này, khi kinh tế phát triển, tài nguyên sẽ cạn kiệt và ý thức bảo vệ môi trường tăng lên nên VN có khuynh hướng thúc đẩy phát triển hướng ra biển, làm cho tranh chấp trên biển tăng lên.
Từ phân tích này, tác giả cho rằng cần phải tìm kiếm, xây dựng những trụ cột mới để cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp.
Lưu Chí Cường và Phan Kim Nga là những nhà nghiên cứu về Việt Nam, viết và nói tiếng Việt giỏi, theo tôi họ là những trí thức có lương tâm. Ta thấy họ cố gắng lý giải vấn đề theo hướng tích cực, cố gắng tìm những yếu tố khách quan để giải thích tình trạng hiện nay và tránh phân tích các yếu tố liên quan đến chiến lược, chính sách của lãnh đạo Trung Quốc.
Nhà báo Thu Hà: Như vậy là trí thức Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rất khác nhau khi nhìn lại giai đoạn kém hữu hảo trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
GS. Trần Văn Thọ: Liên quan đến vấn đề này, trong hội nghị trù bị năm ngoái, giáo sư Đỗ Tiến Sâm (Viện Khoa học Xã hội VN) cho rằng, do yếu tố lịch sử và địa lý, mọi người VN đều mong muốn được sống hòa bình với nước láng giềng phương bắc nhưng luôn có tinh thần cảnh giác cao đối với các chính sách và hành động của TQ.
Theo giáo sư Sâm, mặc dù khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, lãnh đạo hai nước đã chủ trương "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai", sau đó lần lượt đề ra "phương châm 16 chữ", "tinh thần bốn tốt" và gần đây đặt quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện", nhưng sự tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chưa đủ tốt, nhất là người VN vẫn cảnh giác đối với TQ khi thấy nhiều sự kiện trên thực tế đi ngược lại các phương châm tốt đẹp ấy. Đặc biệt các dự án hợp tác của TQ tại VN và các hành động của TQ ở Biển Đông gây nên bức xúc trong dư luận tại VN.
Đúng là có sự khác biệt về nhận thức giữa trí thức VN và trí thức TQ về những chủ trương, phương châm có tính cách khẩu hiệu hiện nay.
- Mời đón đọc kỳ 3: Chủ quyền biển Đông: Ta phải tự quyết định số phận của mình
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét