Nhãn:

Chân dung những “nhà dân chủ”

Mấy ngày qua, chúng tôi nhận được nhiều cú điện thoại hỏi xung quanh sự kiện ông Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng bị bắt vì tội danh “hoạt động chống phá nhà nước...  Vì thông tin quá ít ỏi, chúng tôi không thể viết và bình luận nhiều hơn. Nhân có bài viết của tác giả Đông La bàn chung về các nhà “dân chủ”, chúng tôi đính kèm thông tin này vào bài viết như là một đề dẫn. VanVN.Net

Có quá nhiều sự nhân danh những điều cao đẹp để những cá nhân, nhóm người không chịu “yên phận” làm đủ điều kể cả những hành động phạm pháp, trong đó khái niệm “dân chủ” là được lạm dụng nhiều nhất. Tôi đã một lần viết, với đất nước đến 70-80% dân số là nông dân, làm chủ bản thân, gia đình còn khó thì người ta chủ yếu cần yên ổn và những điều kiện thuận lợi để làm ăn sinh sống chứ mấy ai nghĩ đến chuyện xa vời làm chủ xã hội. Vì thế những người mang danh đấu tranh vì dân chủ thực sự là đấu tranh đòi chia sẻ quyền lực, giành quyền làm chủ cho mình, cho nhóm hay đảng phái của mình. Như qua vụ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… ta thấy rõ sự tham vọng khi mới có mấy người, người ta cũng chia nhau chức này tước nọ. Họ không hiểu muốn làm cách mạng thì phải được lòng dân, mà muốn được lòng dân trước hết cần phải có công trạng và tài cao đức dầy đến như thế nào mới có thể có được. Còn Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung v.v…, như Cao Tự Thanh nói là “lũ học trò mặt trắng”, viết được mấy bài báo mà đã đòi làm cách mạng, thay đổi chế độ được ư! Đến như Lê Lợi và Nguyễn Trãi khởi nghĩa đuổi giặc Minh, một việc chính đáng là thế mà còn phải lấy mỡ bôi dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần lên lá cây rừng, nhờ kiến đục để “rải truyền đơn” thu phục nhân tâm. Với tâm lý người Á đông chịu ảnh hưởng sâu nặng của đạo Nho như dân ta thì danh bất chính ngôn khó mà thuận được!

Tệ hơn nữa họ lại dựa vào ngọn cờ Hoàng Minh Chính, một người chỉ được những người thất sủng, bất mãn và những người chưa quên được cái hận “mất nước” của chế độ cũ tung hô, còn với đa số người dân trong nước hiện nay, Hoàng Minh Chính thực sự là con số không. Về công lao và tài năng cũng như tình cảm của mọi người, chưa kể đến những bậc mà nhân dân đã suy tôn thành thần thánh, Hoàng Minh Chính cũng không có gì để có thể so sánh được với các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ lớn như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà…; Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu…; Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trần Đức Thảo… và vô số người khác nữa không thể kể hết được. Nếu các tín đồ của Hoàng Minh Chính biết được những cuộc chửi bởi nhau loạn xạ sau đây của các đầu lĩnh thì không biết họ có còn suy tôn là tiền bối và rồi còn có những hành động dại dột nông nổi và khờ dại đến như thế không?

Trên trang Đàn chim Việt (Ba Lan), một trang web chống cộng, nhưng lại đăng bài Nguyễn Thanh Giang viết về Hoàng Minh Chính: “HMC sang Mỹ ăn nói lung tung quá … Ngọn cờ đầu mà kém cỏi cả về nhận thức lẫn tư cách như vậy thì các ngọn cờ phía sau tồi tệ đến mức nào?”; “ Ông ta rất bộp chộp, rất hám quyền thế và nhiều khi nói dối, nói điêu”; là người: “hữu dũng vô mưu”; luôn “xem mình là lãnh tụ”; “chỉ có lòng ham mê quyền lực mù quáng và máu phản kháng cuồng dại… không có tư chất dân chủ và tính cách chính khách … sẽ là người độc tài độc đoán hơn cả những lãnh đạo cộng sản hiện nay nếu có quyền”. Về một số thủ lĩnh khác của “phong trào dân chủ”, Nguyễn Thanh Giang viết: “Thật là ty tiện… đểu cáng… Thì ra, khi bị hôn mê bởi quyền lợi và quyền thế con người đôi khi trở thành thú vật!”; “chẳng hiểu sao đã bẩy mươi tám mươi cả rồi mà họ vẫn si mê cuồng dại một cách ngớ ngẩn như vậy!”; “Họ làm tôi chán ngán, ghê sợ quá, muốn xa lánh tất cả cái gọi là “phong trào dân chủ”; “Rồi sẽ ra sao cái “Chợ trời dân chủ ” này ?... hám ăn mà rùm beng trống mõ… nếu rồi đây sân khấu chính trị dân chủ Việt Nam chỉ gồm những gương mặt hề như trên thì may ra chỉ có thanh la, não bạt với những vở tuồng inh tai rẻ tiền”.

Còn chính Nguyễn Thanh Giang thì lại bị Dương Thu Hương quật lại. DTH đã viết Nguyễn Thanh Giang là: “một kẻ ăn gian nói láo”; “người mắc chứng đứt dây thần kinh xấu hổ”; “là một thứ hoa bằng nhựa”. Còn về nhà lý luận số 1 của “phong trào dân chủ” Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương viết: “Nếu để cho cái bè Dân chủ được nổi, nếu quả tình ông Hà Sĩ Phu muốn vậy thì bản thân ông phải nhảy xuống nước chứ không thể đẩy ông Chính xuống được. Làm như thế là ác, là hèn, là tham. Ác vì coi cái chết của người khác là hiển nhiên. Hèn vì tự mình không dám chết. Tham vì muốn dự vào một bữa cỗ nào đó [nền dân chủ chẳng hạn, hoặc tượng đài của những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho dân chủ…] mà mình vẫn được toàn thân”.
Còn hai nhân vật từng leo lên thành những ông “cốp” của chế độ, khi bị thất sủng, đã quay lưng chạy trốn như Bùi Tín và Nguyễn Minh Cần, cũng ông chẳng bà chuộc khi đưa ra những “sách lược”. Trong bài “Việc ta, ta cứ làm trên trang http://www.ykien.net, Nguyễn Minh Cần đã viết Bùi Tín đã “quên cái kinh nghiệm đau xót của những người cầm quyền ở miền Nam đã lệ thuộc vào Hoa Kỳ”, coi ý của Bùi Tín như "dỗ con nít" vậy!; rồi kết luận: “Ðọc hai bài của ông Bùi Tín về ‘Lộ trình’, riêng tôi thì thấy rất buồn cho một người bạn dân chủ bị lầm lạc…” (10.10.2002), khi Nguyễn Minh Cần thấy Bùi Tín viết trên tờ Thông Luận số 159 tháng 5.2002, giới thiệu “Lộ trình cải tiến bang giao Mỹ – Việt theo hướng dân chủ hóa”: “Hãy chọn bạn mà chơi! Làm bạn với Hoa Kỳ không dễ đâu… Vì quý Việt Nam mà nay họ chủ động giang tay bè bạn! Tôi rất lo là khéo mà ta lại lỡ tàu..."; "Kết bạn thân thiết với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể tiếp nhận đến 50 tỷ USD đầu tư không mấy khó khăn, chưa nói đến hàng chục tỷ USD có thể có từ cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới”; “Hoa kỳ đứng đầu thế giới dân chủ nay… muốn ngỏ lời kết bạn thân thiết chân thành với Việt Nam”; “Có một nước Mỹ khác hẳn với nước Mỹ mà bộ máy tuyên truyền Hà Nội thường vẽ nên”; “Nước Mỹ rất trẻ, không hề có phong kiến, vua quan, sớm có dân chủ từ khi lập quốc. Họ có dân chủ trong máu”…”

Với thực trạng đất nước còn nhiều yếu kém và tệ nạn, nhiều nhân vật từng trải và có đầu óc thực tế cho rằng thực hiện tiếp cải cách sẽ tốt hơn là làm cách mạng. Quá trình phát triển có thể ví như một bản thảo, sửa chữa chỗ sai ngữ pháp, thêm từ vào câu cụt, cắt gọt những chữ thừa… sẽ dễ dàng hơn vô vàn lần phải viết những trang mới; mà những trang đó không phải viết bằng mực trên giấy mà bằng máu và nước mắt viết trên chính cơ thể của Tổ quốc. Đất nước chúng ta từng có thời điểm mà nhiều người nói như ở bên bờ vực, và chúng ta đã thực hiện được sự đổi mới khó khăn nhất, đó chính là sự đổi mới về cách nghĩ, thay đổi bản chất cách nhìn, đã dám làm ngược với những điều từng luôn tâm niệm: thực hiện khoán sản; áp dụng nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa kêu gọi đầu tư, bắt tay với cựu thù, coi cả thế giới là bạn… và chính những phép màu này đã khiến đất nước phát triển như thời gian qua mà ai cũng thấy.

Còn những bài toán đang đặt ra hôm nay, như nạn tham nhũng, với nền kinh tế mở, đất nước giống như cỗ xe chạy nhanh hơn trên con đường rộng hơn tất cần phải có phanh chắc chắn hơn; nghĩa là cần phải có luật pháp nghiêm minh hơn; chi tiêu ngân sách minh bạch hơn; giám sát thu chi của quan chức chặt chẽ hơn! Về sự tụt hậu, liệu có phương thuốc thần kỳ nào ngoài việc cần phải thay máu nền giáo dục. Như tôi đã viết, ở bậc phổ thông, cần phải thay đổi lối học nhồi sọ “học nhiều biết ít” bằng lối “học ít biết nhiều” qua chế độ thi cử “đánh giá phẩm chất học sinh qua sự hiểu biết chứ không ở sự học vẹt, thuộc bài”; ở bậc đại học, cần tăng cường học đi đôi với hành; học những gì cuộc sống cần chứ không học theo khuôn mẫu cứng nhắc nhiều khi đã mốc meo! Chỉ vậy chúng ta mới làm chủ được khoa học công nghệ, thay thế được “nền kinh tế cơ bắp” bằng nền “kinh tế tri thức”, lúc đó đất nước sẽ hùng mạnh, có thể ngẩng cao đầu đối thoại và đàm phám với bất cứ nước to nhỏ nào trên thế giới. Chính lúc này đây chúng ta lại cần biết bao những cá nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thời giành độc lập hoặc như Lý Quang Diệu của Xinh- ga-po, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc, Putin của Nga, về tình cảm cá nhân có thể người ta yêu ghét khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng chính họ đã làm đất nước họ phát triển.

Còn những người nhân danh dân chủ cho rằng đa nguyên đa đảng sẽ là phương án tốt nhất, cứ cho rằng họ thành tâm vì dân vì nước đi, thì họ đúng hay sai? Riêng tôi thấy, ngoài lịch sử bị xâu xé và yếu tố đa dân tộc, tôn giáo khiến lòng người bị chia năm xẻ bảy; ngay tầng lớp trí thức, lớp người có trình độ có thể tác động đến quá trình dân chủ, vốn được đào tạo từ nhiều nước, cũng sẽ năm phương mười hướng; bởi người học ở Nga tất sẽ cho Nga hay, người từng ở Trung Quốc sẽ cho TQ tốt; rồi Đức cũng siêu, Tiệp, Hung, Ba Lan… cũng giỏi; còn phía bên này thì Anh, Pháp, Mỹ… mới đúng là tuyệt vời!... Trong khi đó thực tiễn cho thấy đa đảng lại không phải là điều tiên quyết cho dân chủ, mà khi xã hội còn ở trình độ dân chủ thấp, đa đảng sẽ nghiêng về phía hỗn loạn do tranh giành quyền lực nhiều hơn.

Để hiểu sâu về Đa nguyên, xin mời độc giả đọc thêm ba bài của Quang Linh, Nguyễn Trung và Nguyễn Quang A trên: BÀN VỀ ĐA NGUYÊN

Họ có những ý khác nhau, nhưng tuyệt ở chỗ là họ đều có tinh thần khoa học và đều có lý của họ. Quang Linh bàn với tinh thần những việc cần làm ngay; Nguyễn Trung cũng vậy nhưng có nhìn xa; còn Nguyễn Quang A nghiêng về lý thuyết, phù hợp với tương lai xa hơn. Vì vậy, tưởng mâu thuẫn mà lại không, bởi trước mắt theo Quang Linh (trùng ý tôi) nếu đa nguyên là loạn, nhưng theo Nguyễn Trung và Nguyễn Quang A, tương lai xa tất yếu là đa nguyên; điều này cũng không sai lý luận, bởi theo Mác, sự phát triển của xã hội không chỉ đến đa nguyên mà còn đến toàn nguyên cơ mà, tức không còn Nhà nước.

1-8-09
ĐÔNG LA

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4