Nhãn:

Khía cạnh luật Quốc tế của việc tàu Trung Quốc cắt dây tàu Việt Nam Bình Minh 02





















Luật sư TẠ VĂN TÀI

Kẻ yếu như ASEAN hay Việt Nam nói riêng, cần phải tạo ra hay dựa vào luật pháp, là khí giới của kẻ yếu nhưng có chính nghĩa, để buộc Trung Quốc, khiến họ không làm được chuyện “la raison du plus fort est toujours la meilleure” (lý do của sự mạnh nhất luôn luôn là tốt nhất).




Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế


Theo Hiệp định Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, thì có 3 vùng:


1-Thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) là vùng đáy biển từ lục địa ra đến mực nước sâu 1.000 mét, hay quãng xa 200 hải lý, điểm nào tới trước thì chọn điểm ấy;


2-Vùng kinh tế độc quyền (exclusive economic zone) tính từ lục địa ra đến 200 hải lý, trong đó có các quyền đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển;


3-Thềm lục địa luật định (legal continental shelf) có thể nới rộng ra tới 350 hải lý, tùy theo kích thước của mép lục địa (continental margin), gồm, ngoài thềm lục địa trên, hai phần khác là dốc lục địa (continental slope) và triền lục địa (continental rise), sau đó thì đáy biển tụt xuống vực sâu ở lòng biển.



Trường Sa - quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam nhìn từ trên cao


Từ hải đảo mà ra, không thể đòi thềm lục địa.


Không có vùng tranh chấp về thềm lục địa giữa hai quốc gia duyên hải nếu thềm lục địa của họ, tính từ lục địa của họ mà kéo ra khơi, không có trùng chạm lên nhau. Nếu có trùng chạm về thềm lục địa, thì hai bên phải thương nghị giải quyết, trước khi đưa ra Ủy hội Quốc tế về ranh giới thềm lục địa, hay Tòa án Quốc tế về Luật Biển (lập năm 1997).


Ranh giới thềm lục địa (từ đất lục địa ra đến 200 hải lý hay ra đến độ sâu 1.000 mét) và ranh giới vùng kinh tế độc quyền (từ đất lục địa ra đến 200 hải lý) là những kích thước đo đạc địa dư, vật chất rất rõ ràng, nếu không có sự trùng chạm của hai thềm lục địa hay vùng kinh tế của nước duyên hải khác, thì lãnh vực chủ quyền về lãnh hải cũng hiển nhiên, rõ ràng.


Địa điểm ở Lô 148, nơi tàu dò của Petro Vietnam bị tàu Trung Quốc cắt dây, cách Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) 116 hải lý, và ở độ sâu 30 mét, và không có trong thềm lục địa Trung Quốc hay nước nào khác. Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, về thềm lục địa và vùng độc quyền kinh tế, chiếu Luật Biển 1982.



Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa. Ảnh: UBBGQG


Bác bỏ đường lưỡi bò vì không có căn bản pháp lý


Trong hội nghị về tranh chấp biên giới biển (maritime boundary disputes) tại Houston (Texas, Mỹ) ngày 21/4/2010, do các hãng dầu Mỹ bảo trợ, sau khi phái đoàn Việt Nam trình bày qua lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Nguyễn Hồng Thao về quan điểm xác nhận chủ quyền Việt Nam ở biển Đông theo đường lối cộng tác hòa bình và nêu cao luật quốc tế, thì phái đoàn Trung Quốc nói về lập trường Trung Quốc về các hải đảo, rồi nói về đường lưỡi bò, rằng khi hai nhà địa dư Trung Quốc vẽ đường đó, không ai phản đối, và còn nói quá đáng là họ cảnh cáo các hãng dầu khí Mỹ khi tới biển Nam Trung Hoa (biển Đông) thì phải tuân theo “luật Trung Quốc”.


Với tư cách người Mỹ gốc Việt ở Mỹ, chúng tôi thấy có nhiệm vụ lên tiếng trước lập trường lấn lướt đó, vì chắc ông chủ tọa và các luật sư và hãng dầu Mỹ “không nỡ” phản bác huỵch toẹt, bởi họ đóng vai chủ nhà trong hội nghị và cũng ngại làm mất mặt đại diện Trung Quốc để còn kinh doanh làm ăn bên Trung Quốc.


Trước hết, chúng tôi yêu cầu ông chủ tịch phiên họp là luật sư Thomas Johnson của văn phòng Covington & Burling ở Washington (đã cố vấn cho Việt Nam vào thời gian ông Võ Văn Kiệt là thủ tướng) xác nhận là đúng, cái ý kiến khởi đầu chúng tôi nêu ra là mọi tranh chấp trên đại dương là phải theo Luật Biển 1982, trừ khi luật đó không rõ thì áp dụng các quy tắc luật quốc tế truyền thống mà các quốc gia đã thi hành trong nhiều thế kỷ.



Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của PVN bị hải giám Trung Quốc quấy nhiễu. Ảnh: PVN


Sau đó, chúng tôi đã bác bỏ lập trường Trung Quốc với các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở các hải đảo. Vì lúc đó chỉ đủ thời gian nói vắn tắt vài điểm, nên chúng tôi sẽ quảng diễn rõ hơn dưới đây. Rồi chúng tôi cũng bác bỏ đường lưỡi bò sau khi nêu ra là luật quốc tế truyền thống cũng như Luật Biển 1982 không có điều khoản nào công nhận đường lưỡi bò để xác nhận chủ quyền trên đại dương; không những thế, điều 89 của Luật Biển 1982 nói tới “việc đòi chủ quyền trên đại dương là vô giá trị” (invalidity of claims of sovereignty over the high seas).


Chúng tôi hỏi thêm: Liệu Hạm đội 7 của Mỹ có phải xin phép Trung Quốc mỗi lần đi qua khu vực đường lưỡi bò hay không? Và liệu Tổng thống Mỹ lại có thể nào không dám làm nhiệm vụ hiến định là phải bênh vực quyền lợi và sinh mạng người Mỹ trên các dàn khoan dầu khí khi hợp tác khai thác chung với các nước Đông Nam Á trong khu vực đường lưỡi bò hay không? Đại diện Trung Quốc không trả lời.


Bắc Kinh rất ít khi hay là không dám đưa ra chi tiết về căn bản pháp lý của đường lưỡi bò, mà chỉ xác nhận hàm hồ, là tất cả phần lớn biển Đông, khoanh trong đường lưỡi bò, là của Trung Quốc từ “thời tiền sử” và vẽ ra trên bản đồ “một đường chu vi lịch sử về chủ quyền” thâu tóm 80% biển Đông, thâu tóm cho Trung Quốc hầu như là tất cả mọi thứ trong đó – biển đại dương, các đảo, đáy biển. Đường chu vi này đi xuyên qua các khu vực giếng dầu đang sản xuất ngay gần Sarawak, qua một số giếng dầu Việt Nam đã khám phá, và chiếm một phần lớn các khu Natuna có trữ lượng khí đốt của Indonesia.


Học giả Wain nói rằng, “đường chu vi lịch sử về chủ quyền” này bị các chuyên gia độc lập về đại dương cho là quá lố lăng, có lẽ vì thế mà Bắc Kinh không muốn bàn công khai về nó. Ông Valencia thuộc East West Center (Hawaii), nay ở Trung tâm Woodrow Wilson, nói là đường chu vi ấy chẳng có căn cứ gì trong luật quốc tế thời hiện đại. Nhà học giả Malaysia về đại dương Hamzah ví cái sự đòi chủ quyền này như cái mệnh lệnh Giáo hoàng lố lăng và nông nổi năm 1493 đem chia các đại dương trên trái đất ra cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.


Tại Hội nghị ở Houston tháng 4/2010 nói trên, cũng có luật gia Mỹ nói đùa là: Nếu Trung Quốc đòi chiếm đại dương ở biển Đông bằng đường lưỡi bò, thì Mỹ cũng sẽ có thể đòi hết Gulf of Mexico về cho mình, tước bỏ quyền của Mexico và Cuba và các nước ở Trung Mỹ!


Và trong một loạt hội nghị ở Hà Nội và Sài Gòn sau tháng 4/2010, trong năm 2010 và 2011, các học giả ngoại quốc đã vặn hỏi các đại biểu Trung Quốc về đường lưỡi bò nhiều lần, họ đều không trả lời được.


Nguon: http://honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Tu-lieu-lich-su/Khia-canh-luat-Quoc-te-bien-Dong.aspx



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

http://hosodanchu.blogspot.com Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep Dan chu va gai dep
1 2 3 4