HSDC: Vì tham lợi cá nhân mà bất chấp tài sản, tính mạng người khác, thậm chí bất chấp tương lai con em họ và cộng đồng... là vấn đề đáng báo động hiện nay. Nếu chỉ trông chờ chính quyền ra tay thì liệu có ngăn chặn được?
Bước đầu nhận định có 4 nhóm gây cháy nổ.
Qua nghiên cứu và đánh giá các vụ cháy nổ vừa qua, nhóm các nhà khoa học của Viện cơ khí động lực bước đầu nhận định có 4 nhóm gây cháy nổ.
Theo báo cáo bước đầu của các nhà nghiên cứu tại Viện cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, có 4 nguyên nhân chính gây cháy xe là: chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì không phù hợp và điều kiện vận hành.
Tại Việt Nam thời gian qua, theo thống kê, ô tô cháy nhiều hơn xe máy. Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Từ đầu năm 2011 đến 10/2/2012 trên địa bàn xảy ra 22 vụ cháy xe máy và 50 vụ cháy ô tô, trong đó phần lớn là do sự cố điện.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện tưởng Viện cơ khí động lực-Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Về chất lượng phụ tùng của các nhà máy cũng như trạm bảo dưỡng, chúng ta cần phải kiểm soát và phải có đơn vị kiểm soát. Phải quản lý tốt chất lượng xăng dầu. Hiện nay cần có tiếp thu và điều chỉnh về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nguyên liệu đạt sự thống nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam. Phân cấp quản lý chịu trách nhiệm về xăng dầu cho nhà phân phối chính. Tôi đề nghị nên để cho nhà phân phối chính chịu trách nhiệm hơn là để các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm cũng như các hãng phải để ý đến uy tín của mình”.
Ông Lê Bạch Trúc- Trung tâm an toàn hóa chất Bảo vệ môi trường cho rằng, điều kiện xảy ra cháy khi có 2 yếu tố là chất liệu, vật liệu cháy và nguồn nhiệt, tia lửa nhiệt.
Ông Lê Bạch Trúc khẳng định, không có yếu tố nào một mình nó gây cháy mà phải kết hợp đồng thời các yếu tố. Trong đó, đa số các nhà nghiên cứu, khoa học cho rằng, yếu tố chính là nhiên liệu mà cụ thể ở đây là xăng, đặc biệt là xăng pha các phụ gia như metanol làm tăng nguy cháy nổ ô tô, xe máy.
Ông Hoàng Mạnh Hùng–Nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an cho rằng: “Nếu xăng pha metanol, etanol và aceton thì có những nguy cơ gì. Thứ nhất, metanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy. Nó hòa tan tốt trong xăng. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm, nhôm… bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên. Đây là điều khẳng định để cấm. 12 hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia như metanol hay etanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polime tổng hợp cũng như sự hút nước của metanol, etanol, aceton nên sản phẩm xăng dầu không được phép dùng”.
Một số lưu ý nhằm giảm hoặc phòng tránh cháy xe là quản lý tốt chất lượng phụ tùng xe, nhất là đối với hệ thống điện; quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam, cải thiện môi trường giao thông giảm tắc đường, quản lý và quy chuẩn hóa các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện; chủ xe nên bảo trì, bảo dưỡng định kỳ./.
Văn Hải
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét